Phổ cập sách giáo khoa ở Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập

Năm học 2022-2023 là năm tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và sử dụng sách giáo khoa mới ở các khối lớp 3, lớp 7, lớp 10. Cùng với những thuận lợi thì bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là với các trường ở địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như tại Trường Phổ thông dân tộc Bán trú, tiểu học và THCS Xuân Lập.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập hăng say trong giờ học.

Toàn trường hiện có 442 học sinh với 2 cấp, tiểu học và THCS. Trong đó, lớp 3 có 57 học sinh và lớp 7 có 36 học sinh. Năm nay nhà trường lựa chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ sách “Cánh diều” để thực hiện giảng dạy cho khối lớp 3 và 7. Việc triển khai chương trình giáo dục mới với học sinh ở đây còn gặp nhiều khó khăn vì nhận thức của các em không đồng đều, 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều này đã gây trở ngại cho việc dạy và học, nhất là môn Tiếng Việt và môn Hoá Học.  

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập tập thể dục trong giờ ra chơi.

Thực tế cho thấy, quá trình thay sách giáo khoa mới, ban giám hiệu nhà trường đã chủ động, xác định được giải pháp hỗ trợ học sinh theo nhiều cách khác nhau để đảm bảo các em tiếp cận một cách khoa học và dễ dàng. Đồng thời, các giáo viên trực tiếp giảng dạy cũng đầu tư nhiều thời gian hơn để nghiên cứu sách giáo khoa mới, từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp đối với các em học sinh dân tộc thiểu số. 

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập hào hứng với những tiết học thực hành.

Với những khó khăn nhất định, việc chú trọng bổ sung trang thiết bị, sự chủ động nghiên cứu kỹ từng bài học, chủ đề trong sách giáo khoa mới để giảng dạy hiệu quả. Đồng thời, tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số để các em mở rộng vốn từ, tiếp cận với chương trình giáo dục mới được tốt nhất./.

 

Công Đại

Tin cùng chuyên mục