ĐỀN PÚ BẢO

ĐỀN PÚ BẢO

Đền Pú Bảo được nhân dân xây dựng để thờ Quận công Thiếu Bảo tức tướng quân Nguyễn Thế Quần, một Quận công vừa có tài vừa có đức, luôn chăm lo đến đời sống của muôn dân.

          Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỉ 16, tại xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, có 3 anh em dòng họ Nguyễn Thế, do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, 2 người anh đã lên miền ngược để sinh sống, đến xã Hùng Lô, nay là thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, người anh ở lại lập nghiệp, người em tiếp tục đến xã Ỷ La, nay là phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. Tại đây, người em đã lập nghiệp, xây dựng gia đình và sinh ra 3 người con trai. Khi lớn lên, người con cả là Nguyễn Thế Quần, đã di cư lên vùng sơn cước, thuộc châu Vị Xuyên, xứ Tuyên Quang (nay thuộc xã Lăng Can, huyện Lâm Bình) để sinh sống. Tại đây ông chuyên dạy chữ cho con em các dân tộc trong vùng. Tư chất thông minh và đạo đức của ông gây được sự chú ý của Quận công là người cai quản vùng đất Vị Xuyên lúc đó, được Quận công yêu quý gả con gái và nhường ngôi Quận công.

          Sau khi lên ngôi Quận công, ông dành toàn bộ thời gian và tâm sức để chăm lo đời sống của muôn dân trong vùng. Với tài nghệ văn, võ song toàn, ông đã cầm quân đi dẹp tan giặc loạn. Với những công trạng đó, ngày mùng 9 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 11 - 1750, Vua Lê Hiển Tông đã ban sắc phong Nguyễn Thế Quần là Siêu Nhạc Bá, một trong 5 tước trong triều đình lúc bấy giờ. Sau khi ông mất, để đền đáp công ơn của ông, nhân dân địa phương đã xây dựng ngôi đền thờ Quận công.

          Di tích Đền Pú Bảo tọa lạc trên một diện tích bằng phẳng, thoáng đãng, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi đá cao, có địa thế hội tụ của linh khí sông núi. Việc xây dựng Đền Pú Bảo không chỉ đền đáp công ơn của Quận công Nguyễn Thế Quần, mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Di tích này còn là minh chứng khẳng định Lâm Bình là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa từ lâu đời, nhân dân các dân tộc đã kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc bờ cõi của quê hương, đất nước và cải thiện thiên nhiên xanh tươi. Từ nay, Đền Pú Bảo trở thành điểm du lịch tâm linh, để du khách thập phương xa gần về cầu an. Cũng như đồng bào dân tộc Tày ở các địa phương khác trong tỉnh, người Tày xã Lăng Can, huyện Lâm Bình coi ruộng đất, nước, mưa, nắng, bão lũ đều có linh hồn trú ngụ, có khả năng điều chỉnh sự tồn tại và ảnh đến đời sống con người. Vì vậy, hàng năm, từ ngày mùng 3 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, trước đền Pú Bảo, đồng bào Tày xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, lại tưng bừng mở Lễ hội Lồng tông, để cảm tạ Thành Hoàng làng, tạ ơn Thần nông, đã phù hộ cho dân làng một mùa vụ làm ăn thuận buồm xuôi gió, mùa màng tươi tốt.

          Ngoài Lễ hội Lồng tông, đền Pú Bảo còn là nơi để tổ chức Lễ cơm mới, vào ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch hàng năm. Những ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch hàng tháng, con cháu dòng họ Nguyễn Thế cùng nhân dân địa phương đến thắp hương cầu mong gia đình mạnh khỏe, con cháu chăm ngoan, học giỏi thi cử đỗ đạt, kinh tế gia đình phát triển. Từ bao đời nay, ngôi Đền Pú Bảo đã có một vị trí vững chắc trong tâm thức của đồng bào các dân tộc nơi đây, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc trong làng xã. Đền Pú Bảo thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn của các bậc sinh thành; đồng thời mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc của con người trong mối quan hệ ứng xử giữa thiên nhiên và con người, phản ánh tín ngưỡng dân dã bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước, ẩn chứa trong đó những giá trị văn hoá truyền thống đặc trưng.

          Các ngày lễ diễn ra tại đền không chỉ mang tính chất gia đình dòng họ, mà còn mang tính cố kết cộng đồng giao thoa, có sức lan tỏa mạnh trong đời sống tâm linh của người dân địa phương. Những hoạt động diễn ra tại Đền Pú Bảo thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi công ơn các bậc sinh thành của người dân địa phương, đồng thời mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện cho mối quan hệ ứng xử giữa con người với thiên nhiên, phản ánh tín ngưỡng bản địa của dân cư nông nghiệp lúa nước, ẩn chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay.

sưu tầm

Tin cùng chuyên mục