Lâm Bình phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa

Trong những năm qua, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện Lâm Bình đã chú trọng xây dựng các mô hình, hướng dẫn, khuyến khích người dân chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo. Hướng đi mới này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Gia đình anh Cháng A Thư ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An là một trong những hộ chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo để phát triển kinh tế “lâu năm” nhất ở huyện vùng cao Lâm Bình. Anh Thư cho biết: Trước đây, gia đình anh chỉ nuôi trâu để lấy sức cày, kéo phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, kể  từ khi được tham quan, học tập các mô hình nuôi trâu nhốt chuồng hiệu quả tại các tỉnh vùng cao và có lợi thế về thổ nhưỡng để trồng cỏ, nên gia đình bắt đầu mở rộng quy mô, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Hiện nay, mỗi lứa gia đình anh nuôi 5 con trâu. Bình quân mỗi năm, bán từ 3 đến 4 lứa, thu nhập khoảng 80 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Để chăn nuôi hiệu quả, gia đình anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và trồng thêm cỏ voi nhằm chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu.

Anh Cháng A Thư, thôn Tiên Tốc, xã Bình An, huyện Lâm Bình chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Trên địa bàn huyện Lâm Bình hiện có 7.969 con trâu. Xác định phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, những năm qua, các ngành chuyên môn của huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi trâu nhốt chuồng. Từ đó, nhân rộng mô hình, khuyến khích người dân chuyển từ chăn thả tự nhiên sang hình thức nuôi nhốt chuồng. Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi Trâu vỗ béo, nhốt theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch liên kết theo chuỗi gía trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2018 đến nay, huyện Lâm Bình đã hỗ trợ 137 hộ gia đình xây dựng mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng, với tổng số tiền trên 3 tỷ 700 triệu đồng. Đồng thời, thành lập 2 tổ hợp tác chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo tại các xã Bình An và Thượng Lâm liên kết với Hợp tác xã công nghệ cao Tiến Thành ở xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang  để bao tiêu sản phẩm. Nhận thấy mô hình chăn nuôi này đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên không chỉ có các hộ thực hiện dự án chăn nuôi, mà nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn huyện có điều kiện về lợi thế cũng đã chú trọng phát triển nuôi trâu theo hình thức này. Trong đó, tập trung nhiều ở các xã Bình An, Thổ Bình. Với sự quan tâm, định hướng của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện, sự chủ động, nỗ lực của người dân, chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Lâm Bình đang phát triển ổn định. Đặc biệt, việc triển khai mô hình nuôi trâu nhốt chuồng đã góp phần nâng cao nhận thức cho bà con, giảm tình trạng chăn thả tự nhiên, góp phần hình thành thói quen chăn nuôi an toàn, hiệu quả.

Khi các mô hình chăn nuôi phát triển, để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, hằng năm, huyện Lâm Bình triển khai tiêm phòng 2 đợt/năm, bao gồm cả tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung. Đồng thời, thực hiện vệ sinh, phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại tất cả các xã nhằm tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn sự phát sinh, lây lan dịch bệnh, tạo thuận lợi để đàn vật nuôi phát triển. Đến nay, phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy sản xuất và quan trọng là nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa sẽ tạo hướng đi bền vững, giúp người dân Lâm Bình từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế; tạo đà để huyện thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục