Thượng Lâm duy trì hương vị bún cổ truyền dân tộc Tày

Trước đây món bún cổ truyền của người Tày ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, thường được làm vào các dịp lễ, tết như; tết Thanh Minh, tết Đoan Ngọ, Rằm tháng Bảy hoặc vào mỗi dịp lúa mới. Việc làm bún vào các dịp này đã trở thành nếp sinh hoạt từ rất lâu của người Tày nơi đây.

Là một gia đình có truyền thống làm bún bà Ma Thị Trấn, thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm chia sẻ; trước đây, bún thường được làm trong các dịp lễ, Tết nhưng giờ đây món ăn này được sử dụng hàng ngày. Công đoạn làm bún Tày cũng kỳ công hơn các loại bún khác. Nguyên liệu làm bún là gạo tẻ, gạo làm bún không cần phải chọn loại gạo ngon lắm, thậm chí có thể làm bằng loại gạo cũ để lâu thì bún mới ngon. Theo bà Trấn thời gian để làm được món bún Tày, thì phải mất khoảng hơn một tuần. Trước tiên là ngâm gạo vào chậu, hay chum, gạo phải ngâm bằng nước sạch cho đến khi hạt gạo hoai mềm và có mùi chua là được. Việc ngâm gạo phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời nóng ngâm năm hoặc sáu ngày. Còn nếu trời rét có thể ngâm lâu hơn. Trong quá trình ngâm thỉnh thoảng phải kiểm tra xem nước có cạn không để còn đổ thêm nước. Ngâm gạo đủ ngày thì chắt nước đi cho ráo rồi ủ thêm một tối nữa, đến hôm sau thì cho vào cối xay thành bột mịn. Sau đó nhào bột rồi nặn thành từng quả bột nặng chừng độ một, hai cân rồi đem quả bột luộc qua nước sôi sao cho lớp vỏ bột bên ngoài vừa chín tới để tạo thành lớp vỏ bọc bột sống bên trong; quả bột sau khi được luộc thì vớt ra cho vào cối giã cho dẻo. Giã xong lại đem nhào nặn cho đến khi bột nhuyễn rồi nặn thành từng quả bột nhỏ vừa với diện tích của khuôn ép bún, sau đó cho quả bột vào khuôn rồi ép từ từ thành những sợi bún chảy xuống nồi nước sôi trên bếp. Khi sợi bún nổi trên mặt nước thì vớt bún ra đem ngâm xuống chậu nước sạch cho đến khi sợi bún săn lại thì được; điều độc đáo sợi bún của cổ truyền của người Tày ở đây thường to hơn sợi bún ở nơi khác từ hai đến ba lần, ăn dai và ngon hơn. Thông thường người Tày ở nơi đây dùng thịt vịt bầu nấu để làm nước canh chan bún. Xương vịt được băm nhỏ rang chín, thịt vịt được luộc chín và thái từng miếng nhỏ; sau đó lấy nước luộc vịt cho thêm ít rau răm sẽ trở thành nước chan lý tưởng của loại bún Tày. Khi thưởng thức, hương vị bún có vị hơi chua cộng mùi thơm ngầy ngậy, mát mịn và ngon.

Một số hình ảnh trong quá trình làm bún cổ truyền dân tộc Tày ở Thượng Lâm

 

Từ việc duy trì bún cổ truyền dân tộc Tày, đây là nét ẩm thực đặc trưng ở vùng quê miền núi đã tạo thêm sự thú vị đối với du khách khi đến tham quan, thưởng thức các món ăn mang hương vị riêng có của bún  Tày nơi đây.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục