Lâm Bình áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi

Nhằm giúp nhân dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, huyện vùng cao Lâm Bình đã tuyên truyền vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sự cạnh tranh của từng sản phẩm.

Gia đình anh Nguyễn Văn Mẫm, thôn Nà Mèn, xã Lăng Can là một trong những hộ tiên phong của huyện Lâm Bình, mạnh dạn đầu tư trên 20 triệu đồng để làm nhà lưới, diện tích 700m2, để thâm canh các loại rau, củ, quả tổng hợp như: Cải bẹ, xà lách, mùng tơi và một số loại rau, quả khác. Sau một năm trồng rau trong nhà lưới, kết hợp với nuôi giun quế lấy phân đã đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất truyền thống. Rau của gia đình anh sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết ngay đến đó, với việc chuyển đổi phương thức trồng trọt đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm.  

Anh Nguyễn Văn Mẫm, thôn Nà Mèn, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình chăm sóc vườn rau của gia đình

Trong những năm qua, huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật, Hội nghị đầu bờ,Tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện các Chương trình, Dự án, Đề án về phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đã góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Hằng năm, phòng Nông nghiệp & PTNT,Trạm khuyến nông, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm chăn nuôi và Thú y huyện đã tổ chức từ 40-50 lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt bà con nông dân, các loại Mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và tập quán sản xuất của bà con nông dân miền núi. 

Đặc biệt, Lâm Bình đã triển khai Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” bước đầu đã hình thành, phát triển vùng nuôi trồng các cây, con đặc sản tại 8 xã của huyện như: Chứng vịt hồ, dê núi, lợn đen địa phương, gà thả đồi; các loại rau như; Giảo cổ lam, rau Ngót rừng, rau Bò khai… đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Anh Ma Đức Tính, thôn Nà Vài, xã Thổ Bình bên đàn dê của gia đình.

Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thực sự đạt đến mục tiêu tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện Lâm Bình cần quy hoạch phát triển vùng cây, con của các địa phương phải tránh được tình trạng dàn trải sản phẩm, thêm vào đó phải kéo được doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra được mối liên kết sản xuất - tiêu thụ khép kín, khiến người dân yên tâm khi đầu tư sản xuất./. 

Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục