Huyện Lâm Bình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu, chuyên canh sản xuất lúa, ngô hàng hóa, các xã trên địa bàn huyện đã tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chướng ở thôn Làng Chùa, xã Lăng Can, có 3.000 mét vuông diện tích đất trồng lúa. Nếu như dùng sức trâu để cày, bừa gia đình ông phải mất 10 ngày làm đất liên tục mới kịp thời vụ. Qua tuyên truyền, vận động và được tập huấn chuyển giao KHKT vào sản xuất, năm 2016, ông Chướng đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mua máy làm đất để phục vụ sản xuất của gia đình. Nhờ vậy mà mỗi khi mùa vụ đến, gia đình ông chỉ mất một khoảng thời gian ngắn để hoàn thành các khâu làm đất. Sau khi làm đất của gia đình mình xong, ông còn nhận làm đất cho các hộ gia đình khác ở trong và ngoài thôn. Bằng hình thức này, sau mỗi mùa vụ cũng giúp gia đình ông có một nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống. 

Từ khi có máy làm đất đã giúp gia đình ông Chướng thực hiện sản xuất đúng khung lịch thời vụ

 Nếu như những năm trước đây, các công đoạn như làm đất, vận chuyển phân bón ra đồng ruộng và thu hoạch, nông dân đều sử dụng sức kéo của gia súc, chiếm khá nhiều thời gian và sức lực thì giờ đây vào những ngày mùa, trên các cánh đồng của huyện Lâm Bình nông dân đã từng bước đưa máy móc vào từng khâu sản xuất. Qua đó, giúp người dân rút ngắn được thời gian làm đất, gieo cấy kịp thời vụ, ít tốn công sức; ruộng lúa, nương ngô được cày sâu, bừa kỹ, cây trồng phát triển tốt, cho cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Để thúc đẩy nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngoài các chính sách hỗ trợ bằng các nguồn vốn 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong huyện cũng đã tạo mọi điều kiện, cơ chế khuyến khích các tập thể, cá nhân vay vốn mua sắm máy móc áp dụng vào sản xuất. Đến nay trên địa bàn huyện Lâm Bình có trên 3.250 máy móc các loại, trong đó có 1.287 máy làm đất, trên 200 máy thu hoạch… Có thể nói, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nông dân địa phương khai thác hết tiềm năng, nâng cao hệ số sử dụng đất canh tác, mà còn nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm cây trồng. Đây được xem là bước tiến quan trọng chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang hiện đại đối với các địa phương trên địa bàn huyện vùng cao Lâm Bình.  

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Bình không chỉ giải bài toán về thiếu lao động do một bộ phận nông dân thường xuyên đi làm ăn xa, một số người chuyển đổi sang làm nghề mới và giảm chi phí trong sản xuất mà còn tạo tiền đề quan trọng cho các địa phương trong huyện xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục