Hội viên nông dân Giàng A Cồ, dân tộc Mông chăn nuôi giỏi

Những năm qua, phong trào nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo đã được nhiều hộ gia đình, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc Mông ở xã Bình An, huyện Lâm Bình quan tâm phát triển, coi đây là một hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế chính cho gia đình. Nhờ chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo, đã giúp nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Điển hình trong cách chăn nuôi này có anh Giàng A Cồ, hội viên nông dân chi hội thôn Nà Coóc, xã Bình An, huyện Lâm Bình.

Gia đình anh Giàng A Cồ là một trong những hộ đi đầu trong thực hiện mô hình nuôi nhốt trâu vỗ béo tại chuồng ở xã Bình An từ nhiều năm nay. Anh Cồ cho biết: Việc nuôi nhốt trâu vỗ béo tại chuồng rất phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây. Ngoài việc có nguồn cỏ tự nhiên dồi dào thì đất ở khu vực này cũng rất phù hợp để trồng cỏ voi, trồng ngô và có thể tận dụng được lá mía, gom rơm rạ sau thu hoạch về tích trữ cho trâu ăn dần. Đây đều là những loại thức ăn không thể thiếu cho trâu. Một trong những ưu điểm trong thực hiện mô hình này là, việc nuôi nhốt vừa giúp trâu tăng nhanh về trọng lượng vừa khắc phục được tình trạng trâu thả rông làm ảnh hưởng đến sản xuất hoa màu. Ngoài ra, trâu nuôi nhốt trong chuồng có chế độ ăn uống tốt, được vệ sinh sạch sẽ, có điều kiện được theo dõi, chăm sóc và ít bị tác động của biến đổi thời tiết nên ít bị dịch bệnh. Do có nguồn thức ăn dồi dào, đặc biệt là được chăm sóc tốt nên việc phát triển mô hình kinh tế theo hình thức nuôi nhốt trâu vỗ béo cũng khá thuận lợi và đều có lãi. Hiện nay, bình quân trong chuồng của gia đình anh luôn duy trì nuôi nhốt từ 6 đến 10 con trâu, trong đó mỗi con trâu trung bình được gia đình anh nuôi nhốt vỗ béo tại chuồng khoảng từ 1 tháng đến 2 tháng, khi xuất bán cho thu lãi khoảng trên dưới 2 triệu đồng/ con.

                                                        Mô hình chăn nuôi trâu nhổt vỗ béo của gia đình anh Cồ,                                                           hiện đang được nhiều hội viên nông dân xã Bình An học tập và làm theo

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Cồ còn tích cực giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển kinh tế theo mô hình nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo này. Do vậy, ngoài việc giúp đỡ về kỹ thuật chăn nuôi, những năm qua anh còn giúp các hộ gia đình trong thôn cùng thực hiện nuôi nhốt, bằng cách thu mua trâu, bò của các hộ mang đến các phiên chợ vùng cao ở tỉnh Hà Giang bán cho các thương lái. Với phương thức này, đã giúp không ít gia đình trong thôn có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, dần thoát nghèo. Nhận thấy hình thức nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo của gia đình anh Cồ nói riêng và của bà con đồng bào dân tộc Mông trong xã nói chung đem lại hiệu quả kinh tế cao, vào mỗi buổi sinh hoạt hội, Hội nông dân xã Bình An còn tuyên truyền, khuyến khích hội viên đến tìm hiểu, học hỏi phương thức nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo của các hộ để nhân rộng mô hình. Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của hội, đến nay, Hội Nông dân xã Bình An đã có trên 60 hộ hội viên cùng thực hiện chăn nuôi trâu, bò theo mô hình này, qua đó, đã góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho hội viên, nông dân.

Từ mô hình nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo của gia đình anh Cồ nói riêng và của bà con đồng bào dân tộc Mông ở xã nói chung, thời gian qua, xã Bình An đã khuyến khích bà con nhân dân trên địa bàn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình này. Đồng thời, tạo điều kiện về nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án hỗ trợ giống cỏ VA06 để giúp một số hộ nghèo mua trâu, bò về vỗ béo. Qua đó, không chỉ giúp xã Bình An duy trì phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hòa, mà còn giúp nhiều hộ gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục