Khuôn Hà thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo

TQĐT - Bằng việc thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, cùng với việc tuyên truyền khuyến khích người dân tích cực phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo của xã Khuôn Hà (Lâm Bình) đã có nhiều chuyển biến tích cực.

                                   Từ nguồn vốn hỗ trợ gia đình chị Bàn Thị Dấu, thôn Hợp Thành, xã Khuôn Hà                                       mỗi năm thu lãi trên 40 triệu đồng từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp.

Bà Chẩu Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà cho biết, là xã miền núi, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để triển khai các giải pháp giảm nghèo, trong những năm qua, xã đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng để có biện pháp giúp đỡ cụ thể. Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện các chính sách và giải pháp giảm nghèo phù hợp, hiệu quả hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, xã, bà con nông dân được tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi, các chính sách hỗ trợ để từng bước phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn của các chương trình dự án giảm nghèo đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, điển hình là hộ gia đình chị Bàn Thị Dấu, thôn Hợp Thành đã phát huy được hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Chị Dấu tâm sự, trước kia do thiếu vốn lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống gia đình còn nhiều khó khăn. Sau khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay 30 triệu đồng và vay mượn thêm người thân, gia đình, chị đã mua 1 con trâu, gần 200 con gà và một chiếc xe tải để làm dịch vụ chở hàng. Từ phát triển chăn nuôi, làm dịch vụ cùng với trồng trọt, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi trên 40 triệu đồng. Năm 2017, gia đình chị đã thoát nghèo.

Để phát huy thế mạnh của địa phương, xã tạo điều kiện và vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đối với diện tích đất vùng cao, xã khuyến khích bà con tập trung phát triển các loại cây nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế ổn định như ngô, lạc kết hợp chăn nuôi. Đồng thời, chú trọng khai thác thế mạnh từ trồng rừng, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình có thu nhập cao hơn. Nhờ vậy, năm 2017, sản lượng lương thực có hạt của toàn xã đạt trên 2.576 tấn, đạt 107% kế hoạch. Hiện toàn xã có tổng đàn gia súc, gia cầm trên 25 nghìn con. Hàng năm, các hộ phát triển kinh tế đều được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng và vật nuôi… Vì vậy, những năm qua đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh lớn, giúp người dân ổn định sản xuất.  

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua các năm, năm 2017 toàn xã đã giảm 171 hộ nghèo, đạt 100% kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 27 triệu đồng/người/năm. Từ đó, góp phần đưa xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Báo (TQĐT)

Tin cùng chuyên mục