Cuốn hút Thượng Lâm

Thượng Lâm, một xã vùng cao miền núi thuộc huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên quang) là mảnh đất có nhiều tiềm năng thu hút du khách bởi sự hòa quyện giữa cảnh quan thiên nhiên với các điểm dân cư giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Tình cờ đám thanh niên chúng tôi có cơ duyên ghé thăm xã Thượng Lâm của huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) trong một chuyến đi trải nghiệm.  Dừng chân tại homsetay Hoàng Việt, cả đoàn được chủ nhà chào đón chu đáo, thân thiện. Không những thế, đoàn chúng tôi được chủ nhà đãi bữa cơm tối vừa ngon vừa lạ, mà lại rất tốt cho sức khỏe với những món đặc sản từ rau rừng.

Hơn 2 ngày trải nghiệm và hòa mình trong không khí trong lành của núi rừng, mọi người ai nấy đều vui, khỏe và đều có cảm giác cơ thể như được thư giãn hoàn toàn. Thiên nhiên ở đây hùng vĩ với màu sắc rất riêng: những cánh đồng lúa ngát hương, những dãy núi mờ đi trong làn sương sớm mỏng manh, quyện với khói bếp tỏa ra từ những nếp nhà sàn cổ, nguyên gốc và rộng rãi của bà con dân tộc Tày.  

      

Một góc cảnh quan thiên nhiên của huyện Lâm Bình, Tuyên Quang

      

Trên lòng hồ thủy điện, có vô vàn những cảnh quan núi rừng cuốn hút như thế này

Nhiều vùng đất của Thượng Lâm gắn với những câu chuyện cổ tích, huyền thoại như chuyện về nàng Tiên - chú Khách, về sự tích hoa Phặc Phiền, sự tích đèo Ái Au kể về cuộc tình duyên ngắn ngủi của người con gái ở xã Trùng Khánh và chàng trai ở xã Thượng Lâm, sự tích về chiếc Cầu Da, truyền thuyết về 99 ngọn núi…

Bà con dân tộc Tày ở đây vẫn gìn giữ và lưu truyền các lễ hội truyền thống như Lồng tông, các làn điệu hát Then, hát Lượn, hát Cọi và cùng với đó là các nghi lễ đặc sắc, các trò chơi dân gian phong phú như tung còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo...

Thực lòng mà nói, Thượng Lâm như có sức hút kỳ lạ. Bởi cảnh quan tuyệt đẹp và có nhiều thứ để chiêm ngưỡng và trải nghiệm. Chuyến đi lòng hồ thủy điện Tuyên Quang là một ví dụ. Suốt chiều dài hàng chục km lòng hồ là những cánh rừng xanh thẳm với nhiều loại cây gỗ quý hiếm, những dãy núi đá hình thù kỳ dị và hùng vĩ, nước trong xanh mềm mại cùng với những cơn gió thổi nhẹ, cuốn hút lòng người. Hơn thế nữa, 99 ngọn núi ở Thượng Lâm với mây trắng phủ mờ, làm phong cảnh thêm phần huyền ảo. Đúng là một không gian lãng mạn, sơn thủy hữu tình, với những gam màu hòa hợp và quyến rũ.

      

      

Lòng hồ thủy điện Tuyên Quang ở địa phận huyện Lâm Bình

Một trong nhiều điều thú vị ở Thượng Lâm là tìm hiểu về ẩm thực của người dân tộc Tày, với những món ăn đặc sản do bà con tự làm ra như thịt trâu gác bếp, măng rừng, xôi nếp nhiều màu, rượu ngô nấu từ men lá, rau bò khai xào măng, cá chép nướng, măng nhồi thịt, trứng rán rau hôi, nộm rau dớn... Rau, quả ở Thượng Lâm vừa ngon tươi, lại sạch và có ích cho sức khỏe, chất lượng thì đảm bảo, an toàn vì bà con tự trồng hay lấy trên rừng về bán. 

      

Mâm cơm với nhiều món ăn đặc sản của người  Tày

      

Rau bò khai, một món ăn đặc sản tốt cho sức khỏe

      

Người Tày gọi rau dớn là rau trường thọ

Mấy ngày ở Thượng Lâm, đám thanh nữ chúng tôi đã có dịp tìm hiểu cách người Tày dệt vải, nhuộm chàm, về những công đoạn làm ra một bộ trang phục hoàn chỉnh, tận mắt thấy các cô gái Tày tỉ mỉ thêu những họa tiết hoa văn trên y phục...

      

Nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày ở xã Thượng Lâm

Chúng tôi bàn nhau về viễn cảnh quay trở lại Thượng Lâm để trải nghiệm, khám phá, chìm đắm trong phong cảnh thiên nhiên. Hy vọng, chính quyền huyện Lâm Bình và xã Thượng Lâm sẽ sớm phát triển thêm nhiều dự án mới, bên cạnh hình thức nuôi cá lồng bè và cộng đồng homsetay, thúc đẩy các hoạt động du lịch sinh thái ở Thượng Lâm thêm phần thú vị./.

Theo: daihoctantrao.edu.vn

Tin cùng chuyên mục