Hội nghị toàn Quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII

Ngày 21/7, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII.

Dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị được kết nối với 11.600 điểm cầu trong toàn quốc.

Tại điểm cầu huyện Lâm Bình dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thành Trung, tỉnh uỷ viên, Bí Thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Thế Đồi, Phó Bí thư Huyện uỷ;.Lãnh đạo HĐND, UBND huyện; các đồng chí nguyên uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, nguyên lãnh đạo HĐND, UBND huyện đã nghỉ hưu hiện đang cư trú trên địa bàn huyện; Lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, UBMTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, báo cáo viên cấp huyện, cùng toàn thể đảng viên trên địa bàn toàn huyện. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Lâm Bình

Trong thời gian 1,5 ngày, cán bộ, đảng viên tham dự hội nghị sẽ được nghiên cứu, quán triệt 4 chuyên đề, gồm: chuyên đề Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao";  Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" và Nghị quyết về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới".

Tại hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt nội dung về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Chuyên đề  đề cập các quan điểm của nghị quyết 18, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng mới trong quản lý, sử dụng đất đai. Mục tiêu tổng quát nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảm bảo nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Lâm Bình

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương truyền đạt chuyên đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.  Nghị quyết số 19, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm mỗi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề “ Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề này khẳng định, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Yêu cầu Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước, để kinh tế tập thể  phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình.

Hội nghị diễn ra nghiêm túc, đúng quy định

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã truyền đạt Nghị quyết 21/NQ-TW về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Nghị quyết khẳng định tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục. Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Nghị quyết đặt mục tiêu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã đưa ra nhiều nhiệm vụ giải pháp củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới..

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương 5 đã xem xét nhiều vấn đề quan trọng, định hướng cơ bản trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Đồng chí đề nghị các cơ sở đảng tiếp tục quán triệt 2 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 5, ngay sau hội nghị này, nhanh chóng tổ chức tuyên truyền nghiên cứu học tập các nghị quyết cho toàn thể đảng viên. Công tác tuyên truyền nghị quyết phải được tiến hành thường xuyên, đa dạng các hình thức để cán bộ hiểu rõ, nhân dân thông suốt. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, yếu tố quan trọng chính là việc tổ chức thực hiện có quyết tâm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể hóa 4 nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 thành kế hoạch, chương trình, đề án, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết./.

Kim Thoa - Công Đai

Tin cùng chuyên mục