Lâm Bình tổ chức Hội nghị triển khai các biện pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đồng bào dân tộc Tày

Chiều ngày 19/6, UBND huyện Lâm Bình đã tổ chức Hội nghị triển khai các biện pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của đồng bào dân tộc Tày. Dự Hội nghị có các đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Nguyễn Văn Hiền, UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện, Bí thư Đảng ủy,Chủ tịch UBND các xã, các đồng chí Bí thư chi bộ các thôn bản, những người có uy tín và những người làm công tác tâm linh liên quan đến dân tộc Tày trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, tình hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang  của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và đồng bào dân tộc Tày nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Ý thức của người dân về xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ngày càng được nâng cao. Các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống của người dân được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ; tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, được hạn chế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của đồng bào dân tộc Tày ở một số nơi trên địa bàn huyện còn có những thủ tục không cần thiết, kéo dài thời gian, gây lãng phí, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Đại biểu dự Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu là những người làm công tác liên quan đến tâm linh và những người có uy tín trong khu dân cư đã cùng nhau trao đổi, thảo luận thống nhất các nội dung liên quan đến việc rút ngắn thời gian tổ chức và cắt giảm một số thủ tục, đồ lễ không cần thiết trong việc cưới, việc tang, mà vẫn đảm bảo thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Cụ thể, trong việc cưới phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình; Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, khuyến khích mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục của dân tộc mình trong ngày cưới; Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép, không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.

Những người làm công tác tâm linh đồng bào dân tộc Tày trao đổi về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tại Hội nghị

Đối với việc tang, phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về y tế. Khi có người qua đời, gia đình hoặc thân nhân phải làm thủ tục khai tử trước khi tổ chức lễ tang theo quy định của pháp luật. Lễ tang phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời; Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia đình có người từ trần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang; Việc mặc tang phục và treo cờ tang trong lễ tang thực hiện theo truyền thống của địa phương, dân tộc và tôn giáo; chỉ treo cờ tang tại địa điểm tổ chức lễ tang; Không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép. Đồng thời, khuyến khích các hoạt động trong tổ chức việc tang như: Các nghi thức cúng ba ngày, bảy ngày, bốn chín ngày, một trăm ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng chỉ thực hiện trong ngày và trong nội bộ gia đình, dòng họ; Thực hiện hình thức hoả táng, điện táng, hung táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch; Xoá bỏ các hủ tục mê tín lạc hậu như yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và những nghi thức rườm rà khác; Không rắc vàng mã trên đường đưa tang.

Đến dự và phát biểu với Hội nghị, đồng chí Đặng Văn Sình Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện nhấn mạnh: Để thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trước hết các cấp, các ngành và các địa phương cần đề ra các giải pháp cụ thể nhằm làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của người dân và sớm đưa các quy định đã được thống nhất, điều chỉnh tại hội nghị vào quy ước, hương ước của thôn bản để thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Việc rút ngắn thời gian tổ chức, cũng như cắt giảm một số thủ tục, đồ lễ trong việc cưới, việc tang cần phải linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh của gia đình và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Qua đó, từng bước đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, gây lãng phí trong việc cưới, việc tang; góp phần ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục