Lâm Bình thực hiện tốt chính sách về giáo dục và đào tạo đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trong những năm qua, các cấp, các ngành của huyện Lâm Bình đã tập trung thực hiện tốt các chính sách đặc thù, ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục - đào tạo. Qua đó, chất lượng giáo dục ở huyện miền núi Lâm Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Lâm Bình là huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, có diện tích tự nhiên 78.496 ha, địa hình rất phức tạp, bị chia cắt bởi các rông núi cao và khe, suối. Toàn huyện có 08 đơn vị hành chính, với 76 thôn, bản; dân số 7.567 hộ, với 33.987 khẩu, có trên 12 dân tộc cùng chung sống; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, đời sống sinh hoạt còn thiếu chưa đồng bộ. Phát triển sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung sản xuất cây lương thực là chính, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo 3.041 hộ chiếm 40,19%, cận nghèo 1.384 hộ chiếm tỷ lệ 18,2%. Huyện Lâm Bình có 08/08 xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135, có 60/76 thôn thuộc thôn đặc biệt khó khăn. Mặc dù còn nhiều khó khăn về vật chất nhưng những năm qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn được huyện Lâm Bình đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Công tác Giáo dục - Đào tạo và dạy nghề được quan tâm, chú trọng phát triển về số lượng và chất lượng. Toàn huyện hiện có 30 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông với trên 7.000 học sinh; 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2014 -2019 huyện đã đầu tư xây dựng mới Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS huyện, Nhà bán trú cho học sinh THCS xã Phúc Yên, Nhà bán trú cho học sinh THCS xã Hồng Quang, Trường THCS xã Lăng Can, Trường mầm non xã Lăng Can, Trường Mầm non xã Thổ Bình, Trường THCS xã KHuôn Hà, Trường Mầm non xã Khuôn Hà, tạo điều kiện thuận lợi cho con em học sinh dân tộc có hoàn cảnh khó khăn được đến lớp học tập. Thực hiện Thông tư liên tịch số 109/2009 ngày 29/5/2009 giữa Bộ Tài chính  và Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2016 – 2018 đã thực hiện hỗ trợ học phí, học bổng cho 744 em học sinh dân tộc nội trú, tổng kinh phí đã thực hiện trên 5 tỷ 796 triệu đồng.

Hoạt động ngoại khóa tại Trường Tiểu học Khuôn Hà

Thực hiện Nghị định 116/2016, ngày 18/7/2016 của Chính phủ và Quyết định số 36/2013, ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đã thực hiện  hỗ trợ gạo cho 10.267 lượt học sinh ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, học sinh trường bán trú, số gạo hỗ trợ trên 593.925 kg; hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho 6.816 lượt học sinh, với số tiền hỗ trợ 12 tỷ 997 triệu đồng.

Thực hiện Nghị định số 57/2017 ngày 09/5/2017 của Chính phủ về quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người: Đã hỗ trợ cho trên 689 lượt học sinh dân tộc thiểu số rất ít người với tổng số tiền là 1 tỷ 802 triệu đồng.

Cơ sở vật chất tại các trường mầm non được đầu tư trang bị đầy đủ

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đươc chú trọng

Nhờ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đến nay, công tác giáo dục và đào tạo của huyện Lâm Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Công tác đào tạo nghề được chú trọng nâng cao chất lượng, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2014-2018 huyện đã tổ chức đào tạo cho 1.770 lao động nông thôn; giới thiệu, giải quyết việc làm cho trên 6.450 lao động; trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài là 33 người, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 45%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt trên 30%.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục