Hình thức nuôi trâu vỗ béo ở Lâm Bình tạo công ăn việc làm cho người dân

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo của nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Lâm Bình đã đem lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này vừa tiết kiệm được sức lao động, vừa giúp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập và giúp người dân có công ăn việc làm ổn định ngay tại địa phương. Mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo cũng đang được coi là giải pháp chính trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Lâm Bình.

Năm 2018, gia đình bà Nguyễn Thị Tiền ở thôn Nà Khà, xã Lăng Can được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay số tiền 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang để thực hiện dự án chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo. Với số tiền trên, bà đã tập trung củng cố lại chuồng trại và mua thêm trâu về nuôi. Để duy trì được mô hình này, gia đình bà đã tận dụng đất vườn gần nhà và chuyển đổi những mảnh đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng giống cỏ VA06, với tổng diện tích 3.000 mét vuông để làm thức ăn chăn nuôi nuôi trâu. Hiện nay, mỗi lứa gia đình bà nuôi từ 2 con trâu trở lên, trung bình khoảng 2 đến 3 tháng xuất bán một lần, cho thu nhập bình quân 2 triệu đồng/ con sau khi đã trừ chi phí. Cùng với trồng lúa, ngô và nuôi gia cầm các loại, chăn nuôi trâu theo hình thức này đã giúp bà có thêm việc làm tại gia đình. 

Bà Nguyễn Thị Tiền thôn Nà Khà, xã Lăng Can chăm sóc đàn trâu của gia đình

Trên địa bàn huyện Lâm Bình, hiện đang có 137 hộ gia đình được hỗ trợ vốn từ nguồn xây dựng nông thôn mới để thực hiện dự án chăn nuôi nhốt vỗ béo. Trong năm 2020, huyện tiếp tục thẩm định hỗ trợ vốn cho 79 hộ thực hiện. Đồng thời, duy trì có hiệu quả 2 HTX chăn nuôi trâu ở xã Bình An, Thượng Lâm liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành. Thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu vỗ béo, ngoài những hộ đang thực hiện dự án, hiện nay trên địa bàn huyện còn có nhiều hộ khác cũng tham gia thực hiện nuôi trâu theo hình thức này. Bình An là một trong những xã điển hình của huyện với nhiều hộ tham gia thực hiện, tập trung ở các thôn Tiên Tốc, Nà Coóc, Phiêng Luông, Tát Ten. Từ năm 2012 đến nay, xã có trên 70 hộ thực hiện nuôi trâu nhốt vỗ béo. Để duy trì và nhân rộng mô hình này, xã tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ trồng cỏ và tận dụng rơm, lá mía, cây ngô làm thức ăn cho trâu. Chăn nuôi theo hình thức vỗ béo không chỉ giúp các hộ chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập, mà còn có công ăn việc làm ổn định, giúp địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo hằng năm. 

Từ việc hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi trâu, đến nay, trên địa bàn huyện Lâm Bình có tổng đàn trâu trên 7.600 con. Lâm Bình là huyện có tiềm năng về phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong đó chăn nuôi trâu được xem là một trong những thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, do diện tích chăn thả của một số xã hạn hẹp nên việc lựa chọn hình thức chăn nuôi vỗ béo khá phù hợp với đặc điểm của các xã hiện nay. Với những kết quả mang lại, hình thức chăn nuôi trâu vỗ béo cần được các địa phương trong huyện tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các hộ chăn nuôi duy trì phát triển và nhân rộng, hướng tới thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục