Các địa phương trong huyện chủ động phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Trước thông tin xã Lăng Can có dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại, các địa phương trong huyện đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Qua đó, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Năm 2019, Thổ Bình cũng là một trong những địa phương của huyện Lâm Bình có 8,2 tấn lợn hơi bị chết do dịch tả lợn Châu Phi, tập trung ở các thôn Bản Piát, Nà Bó, Nà Vài. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhất là sự chủ động của các hộ chăn nuôi, đến tháng 12 năm 2019, xã Thổ Bình đã được công bố hết dịch. Xác định dịch tả lợn Châu Phi hiện chưa có vắc xin điều trị và có thể bùng phát trở lại vào bất cứ thời điểm nào, thời gian qua xã Thổ Bình luôn chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi tự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: tích cực khử trùng, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng theo đúng định kỳ cho đàn vật nuôi để có sức đề kháng tốt, hạn chế thấp nhất dịch bệnh có thể xảy ra trên đàn gia súc. 

Các hộ chăn nuôi xã Thổ Bình chủ động phun thuốc khử trung chuống trại chăn nuôi

Trên địa bàn huyện Lâm Bình hiện có xã Lăng Can đang xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại. Từ đầu tháng 1 năm 2020 cho đến nay, xã đã có 63 hộ gia đình ở các thôn Đon Bả, Làng Chùa, Phai Che A, Phai Che B, Nặm Đíp, Bản Kè, Nà Mèn, Bản Khiển có 186 con lợn bị chết và tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi, với hơn 5,3 tấn, ước tình thiệt hại trên 400 triệu đồng. Để khống chế dịch và dập dịch, xã Lăng Can đã chỉ đạo cán bộ, công chức xã phối hợp với trưởng các thôn bản địa bàn mình phụ trách tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh chuồng trại, ít nhất mỗi ngày 2 lần. Đồng thời, vận động chủ vật nuôi chủ động, tự giác thực hiện nghiêm túc “ 5 không” trong phòng chống dịch, đó là không dấu dịch; không mua, bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Cùng với đó, xã cũng tăng cường kiểm tra tình hình và cho tạm dừng việc giết mổ lợn trên địa bàn. Hiện nay, cùng với việc yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, xã Lăng Can cũng khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn lợn vào thời điểm này, do dịch trên địa bàn xã hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, tránh bị thiệt hại về kinh tế. 

Xã Lăng Can thực hiện tiêu hủy lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi 

Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát trở lại ở tất cả các địa phương trong huyện, vừa qua, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Lâm Bình đã cung cấp gần 300 lít thuốc khử trùng chuồng trại cho các xã. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức hơn nữa trong thực hiện các khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại sạch sẽ. Trước khi tái đàn cần tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ con giống. Đặc biệt không được buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bị ốm, chết mà phải tổ chức tiêu hủy ngay. Có như vậy, dịch bệnh mới được kiểm soát và không bùng phát trở lại.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục