Du lịch Lâm Bình tiềm năng và định hướng phát triển

Từ lợi thế về thiên nhiên, con người và bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số nên ngay sau khi thành lập, huyện Lâm Bình đã thực hiện công tác quy hoạch phát triển tổng thể du lịch của huyện đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, huyện đã triển khai khôi phục và duy trì và tổ chức các sự kiện văn hóa như Lễ hội Lồng tông – Ngày hội văn hóa các dân tộc, nhảy lửa, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng Hômmestay đã và đang được Lâm Bình quan tâm hàng đầu. Năm 2017, huyện thực hiện đề án “Xây dựng và vận hành mô hình Du lịch cộng đồng”. Đề án nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Làng văn hóa dân tộc Tày các thôn Nà Đông và Nà Tông (xã Thượng Lâm), Nà Muông (xã Khuôn Hà) và Nặm Đíp (xã Lăng Can) với 15 hộ tham gia. Thực hiện đề án, huyện đã tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm, làm du lịch cộng đồng tại một số tỉnh bạn; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch cộng đồng; hoàn thành việc chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, thành lập các đội văn nghệ, tổ chức tập luyện các tiết mục để phục vụ khách du lịch; hoàn thành xây dựng bản đồ, tua, tuyến du lịch, tập huấn hướng dẫn viên du lịch, bổ sung dịch vụ du lịch như: chèo thuyền kayak, xe đạp, xe máy, bè mảng, câu cá,... phục vụ du khách.

Du khách tham gia trải nghiệm chèo thuyền Kayak tại lòng hồ thủy điện

Hiện nay, trong vấn đề phát triển du lịch trước mắt cũng như kế hoạch lâu dài, bên cạnh việc xây dựng các tua, tuyến du lịch kể cả đường bộ lẫn đường thuỷ, gắn với nhu cầu ẩm thực thì nhu cầu lưu trú tại địa phương cũng đang phát triển nhanh, bền vững. Bạn có thể tham gia lưu trú theo mô hình cộng đồng, nghĩa là trực tiếp sống với đồng bào sở tại trong các căn nhà sàn truyền thống, hoặc muốn nghỉ ngơi trong một môi trường có điều kiện tốt thì đã có hệ thống khách sạn phục vụ chu đáo. Huyện tích cực quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và sản phẩm du lịch của huyện trên Facebook, Youtube bằng tiếng Anh, Pháp; hoàn thành xây dựng website “Du lịch Lâm Bình”; tiếp tục vận động nhân dân duy trì gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; liên kết với các Công ty Lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh khảo sát, kết nối du lịch; thực hiện đón, tiếp khách quốc tế và trong nước đến tham quan, du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã thu hút trên 22.700 lượt khách thăm quan, du lịch, đạt 81% kế hoạch năm.

Bên những nếp nhà sàn đồng bào Tày nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống

          Là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có diện tích rừng nguyên sinh lớn, với hệ sinh thái đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; nguồn nhân lực dồi dào và nền kinh tế đang phát triển. Huyện đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trương đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào Lâm Bình. Tiếp tục tập trung các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu vào các điểm du lịch có tiềm năng phát triển, ưu tiên du lịch văn hóa, sinh thái và du lịch cộng đồng Hômestay. Đầu tư xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa - du lịch thôn Nà Tông, Nà Đông xã Thượng Lâm; Nà Muông xã Khuôn Hà; Nặm Đíp xã Lăng Can. Lập Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng danh mục dự án kêu gọi xúc tiến đầu tư; tập trung thu hút, mời gọi các tổ chức, các nhân, doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, chú trọng đầu tư xây dựng các điểm nghỉ  dưỡng, khu sinh thái. Tăng cường công tác thông tin, quảng bá hình ảnh về miền đất, văn hóa, con người Lâm Bình và danh mục dự án du lịch kêu gọi đầu tư. Từng bước chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Xây dựng tua, tuyến, điểm du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế; các chương trình khảo sát, thăm và quảng bá tiềm năng du lịch của huyện. Phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khôi phục các lễ hội, làng nghề truyền thống; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nhất là đặc sản của địa phương phục vụ phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu du lịch.

Chí Cường

Tin cùng chuyên mục