Du lịch Lâm Bình sau nửa nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội

Phát huy tiềm năng, thu hút đầu tư, từng bước phát triển kinh tế du lịch là một trong 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển. Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội, với nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ, lĩnh vực du lịch của huyện đã từng bước được hình thành và phát triển, góp phần tích cực vào cơ cấu kinh tế chung của huyện.

Phát triển du lịch gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc, trọng tâm là bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, các lễ hội truyền thống; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế, nhất là du lịch lòng hồ thủy điện, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng (Homestay) tại các xã Thượng Lâm, Lăng Can, Khuôn Hà, bước đầu thu được kết quả tích cực. Từng bước bảo tồn, giữ gìn, phát triển văn hóa các dân tộc, phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; bảo tồn, phát huy các danh lam, thắng cảnh, các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường sinh thái phục vụ phát triển du lịch. Tổ chức thành công các lễ hội văn hóa, như: Lễ hội Lồng Tông của Dân tộc Tày, Lễ hội Nhảy lửa của Dân tộc Pà Thẻn để thu hút du khách. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về du lịch, khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát triển các dịch vụ du lịch. Quan tâm, khuyến khích phát triển các sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ du khách. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ phát triển du lịch.

 

Nghệ thuật hát then, đàn tính luôn được bảo tồn và phát huy

Toàn huyện hiện có 15 nhà thực hiện mô hình du lịch cộng đồng Homestay. Để thực hiện huyện đã chỉ đạo thực hiện Đề án: “Xây dựng và vận hành Mô hình Du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Làng văn hóa dân tộc Tày các thôn: Nà Đông và Nà Tông (xã Thượng Lâm), Nà Muông (xã Khuôn Hà) và Nặm Đíp (xã Lăng Can) với 15 hộ tham gia; tổ chức cho các hộ dân thăm quan, học tập kinh nghiệm, làm du lịch cộng đồng tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang và huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch cộng đồng; hoàn thành việc chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, bổ sung cơ sở vật chất các hộ thực hiện mô hình, thành lập các đội văn nghệ, tổ chức tập luyện các tiết mục để phục vụ khách du lịch; hoàn thành xây dựng bản đồ, tua, tuyến du lịch, tập huấn hướng dẫn viên du lịch, bổ sung dịch vụ du lịch.

Đánh pam một trò chơi dân dan không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống ở Lam Bình

Kết quả năm 2016: thu hút 25 đoàn khách với trên 200 người du lịch theo hình thức Homestay, trong đó có 12 đoàn khách người nước ngoài. Năm 2017: thu hút trên 34 nghìn lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch theo hình thức Homestay trên 2.600 người, khách người nước ngoài 115 người. Trong 6 tháng đầu năm 2018, thu hút trên 22.700 lượt khách du lịch, đạt trên 81% kế hoạch năm; trong đó khách người nước ngoài trên 20 đoàn với 95 lượt, khách du lịch theo hình thức Homestay trên 2.500 lượt khách.

 Các hoạt động lễ hội truyền thống được huyện quan tâm phục dựng tổ chức

Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức sưu tầm các câu chuyện cổ, các công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày của các dân tộc; thành lập và tổ chức các hoạt động Câu lạc bộ hát các làn điệu truyền thống của dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻ; tổ chức cho học sinh các trường THPT, THCS mặc trang phục dân tộc khi đến trường, góp phần gìn giữu bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Chí Cường

Tin cùng chuyên mục