Người Mông và người Dao ở Xuân Lập vận dụng tục kiêng cấm cửa nhà vào phòng, chống Covid-19

Đến xã Xuân Lập trong những ngày mọi người dân đang tập trung thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi đã được khám phá thêm nhiều điều kỳ lạ, thú vị trong đồng bào dân tộc Mông và dân tộc Dao nơi đây. Đó là tục cắm lá cây trước cửa nhà để đánh dấu không tiếp khách lạ trong những ngày lá cây còn tươi, đây là điều có thật và rất ý nghĩa với người dân nơi đây, đặc biệt là khi tục kiêng kỵ này đã được người dân vận dụng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã phát huy hiệu quả rất tốt.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và của huyện về phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc “Gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh”. Sau khi được nghe tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, người dân ở đây đã nhận thức rõ về tình hình dịch bệnh và có ý thức chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh rất tốt. Một trong những việc làm mang lại hiệu quả ở đây là người dân tộc Mông và dân tộc Dao ở xã Xuân Lập đã vận dụng tục kiêng kỵ của dân tộc mình vào công tác phòng chống dịch bệnh, đó là tục “Cắm cành cây để cấm cửa nhà”. 

Theo đồng bào dân tộc Mông ở Xuân Lập, khi nhà có người đang ở cữ, đồng bào Mông sẽ lấy cành cây còn tươi về cắm ở cổng và cửa vào nhà để làm dấu kiêng cấm, không cho người lạ mặt vào nhà trong 3 ngày, tính từ ngày sinh nở. Có nơi tục kiêng cấm này kéo dài đến đúng một tháng. Người Mông cho rằng, tà ma xấu có thể núp bóng người lạ vào nhà làm sản phụ và em bé bị ốm. 

Còn đối với người Dao, từ xa xưa người Dao luôn coi cây cối là đại diện của thần rừng, nó rất gần gũi và có sức mạnh vô cùng to lớn có thể bảo vệ bản làng khỏi những người xấu, tránh được tà ma… Người Dao ở đây quan niệm, sau khi thầy cúng làm phép để gia đình tránh khỏi những việc xui xẻo, đuổi tà ma xấu ra khỏi nhà, nếu có người lạ mặt bước vào làng mà không có sự cho phép, rất có thể người đó có ý đồ xấu. Chính vì thế, người dân đã lấy lá cây tương về cắm trước cổng nhà để đề phòng và cảnh báo người từ nơi khác không được phép xâm phạm. Bởi vậy, khi đã cắm lá cây trước cửa nhà, chủ nhà có thể đi vắng mà không cần khóa cửa nhưng bất kỳ ai đi qua thấy cành cây đó là không được xâm phạm cho dù là họ hàng thân thích.

Từ tục kiêng cấm này, người Mông và người Dao ở xã Xuân Lập đã vận dụng vào việc dùng cành cây tươi để cắm trước cổng nhà nhằm cấm cửa không cho khách vào nhà trong những ngày thực hiện việc cánh ly toàn xã hội. Trao đổi với chúng tôi Ông Lò Xuân Thắng, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập cho biết: Sau khi nghe tuyên truyền về việc cánh ly toàn xã hội nhằm hạn chế người dân đi ra đường, nhà nào ở nhà đấy, thôn nào ở thôn đấy, xã nào ở xã đấy để phòng, chống lây lan dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khẻo của bản thân, gia đình và cộng đồng. Gia đình ông đã bảo ban nhau chấp hành nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của huyện, của xã. Tuy nhiên, trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị trong thôn còn một số hộ gia đình chưa chấp hành tốt, vẫn có người đi lại đến nhà nhau chơi tụ tập đông người. Trước tình trạng đó, ông đã vận động một số hộ trong thôn thực hiện tục kiêng cấm cửa nhà để không cho khách vào nhà. Sau khi ông thực hiện tục kiêng kỵ này các hộ trong thôn cùng nhau làm theo, từ đó các hộ gia đình đã chấp hành rất tốt. Mọi người trong thôn còn nói vui rằng, tục cắm cành cây để kiêng người vào nhà khi có người ở cữ và khi làm thủ tục cúng bái nhằm xua đổi tà ma, còn bây giờ là kiêng để chống con ma Covid-19.

Tục kiêng cấm cửa nhà của đồng bào dân tộc Mông và dân tộc Dao ở xã Xuân Lập được người dân vận dụng vào phòng, chống dịch covid-19

Lúc đầu chỉ có vại hộ thực hiện, nhưng thấy phát huy hiệu quả rất tốt nên lãnh đạo xã Xuân Lập đã khuyên khích các thôn bản nên vận dụng cách làm như vậy. Vừa vận dụng, vừa tuyên truyền để người dân cùng thực hiện, kiêng đến nhà nhau chơi cho đến khi nào hết thời gian cánh ly xã hội, khi nào hết dịch bệnh lúc đó bà con trong thôn, trong bản lại đến nhà nhau chơi vui vẻ. Còn bây giờ mọi người cùng nhau kiêng, không tập trung đông người để chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì việc kết hợp vận dụng những phong tục, tập quán tốt đẹp vào công tác phòng, chống dịch bệnh là điều nên làm, nhất là đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Mặc dù là xã vùng sâu, vùng xa của huyện những người dân ở xã Xuân Lập đã chấp hành rất tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là trong thời gian thực hiện cánh ly xã hội

Với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận chống dịch Covid-19", vậy thì mỗi người dân, mỗi địa phương, mỗi dân tộc cũng nên tìm cho mình cánh phòng, chống dịch bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất để cùng nhau đi đến một mục tiêu chung là đầy lùi dịch bệnh Covid-19, bảo vệ an toàn sức khẻo cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. 

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục