Xuất khẩu lá giang, hướng thoát nghèo của xã Hồng Quang

Những năm gần đây, người dân xã Hồng Quang có thu nhập ổn định từ việc thu hái và xuất khẩu lá giang khô. Cây giang là cây họ tre, nứa, thường mọc thành từng khóm trên rừng. Lá giang được khai thác đều đặn thành 2 đợt, từ tháng 2 đến tháng 5 và tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hằng năm.

Chị Tải Thị Vanh, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, đã thu hái lá giang được khoảng 5 năm nay, mỗi buổi chị hái được khoảng 50 kg lá, với mức thu mua từ 10-13 nghìn đồng/kg, một ngày đi hái lá Chị thu về khoảng 500 nghìn đồng. Mức thu nhập này khá cao so với làm nông nghiệp. Vì vậy, đến mùa giang, chị dậy từ 6h sang để lên rừng hái lá, thu nhập từ lấy lá giang đã giúp gia đình chị và những người dân nơi đây ổn định cuộc sống.

Hiện nay, trên địa bàn xã Hồng Quang, Hợp tác xã Quang Minh, thôn Bản Luông là đơn vị thu mua và sơ chế lá giang tươi duy nhất. Hợp tác xã hoạt động thu mua và sơ chế lá giang từ năm 2016. Hiện tại, mỗi ngày xưởng thu mua và sơ chế từ 8-10 tấn lá giang tươi, tạo việc làm cho mỗi công nhân làm tại xưởng với mức thu nhập từ 200-300 nghìn đồng/ngày. Hợp tác xã cũng đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, mới đây, hợp tác xã đã được đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng thêm xưởng mới từ nguồn hỗ trợ nông thôn mới. Xưởng xây xong sẽ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Hợp tác xã Quang Minh, thôn Bản Luông tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Việc sơ chế lá giang được thực hiện qua các công đoạn phân loại, xếp tép, sấy, đóng kiện lá giang. Công việc ổn định và thường xuyên đã thu hút nhiều lao động tới làm việc. Xã Hồng Quang hiện có trên 17.000 cây giang. Nhận thấy đây là hướng đi giúp người dân có thu nhập ổn định, UBND xã đã thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ cây giống để mở rộng diện tích nguồn nguyên liệu. Nhận thấy phát triển cây giang là hướng thoát nghèo bền vững cho người dân, năm 2018, 25 hộ dân tại thôn Thượng Minh được UBND xã hỗ trợ cây giống với tổng kinh phí 250 triệu đồng, hiện nay, cây đã bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại, hợp tác xã Quang Minh được hỗ trợ xây dựng thêm nhà xưởng, vì vậy, xã đã lên kế hoạch mở rộng nguồn nguyên liệu tại thôn Nà Chúc nhằm cung cấp đủ lá giang cho hợp tác xã Quang Minh chế biến lá giang sấy khô và lá giang hấp.

Thực tế đã cho thấy, việc hái và sơ chế lá giang đã mang lại lợi ích về kinh tế, giải quyết nguồn lao động dôi dư. Để phát triển và đảm bảo tính bền vững, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần phối hợp để cây giang thật sự là hướng thoát nghèo bền vững của xã Hồng Quang.

Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục