Xã Thượng Lâm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển cây, con là đặc sản có lợi thế ở địa phương

Nhằm phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững trên địa bàn, tạo ra các sản phẩm đặc trưng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong huyện, cung cấp sản phẩm sạch có chất lượng cho thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Những năm qua, xã Thượng Lâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng các loại cây, con là đặc sản có thế mạnh của địa phương theo Nghị quyết 34a của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, qua đó đã góp phần nâng cao mức thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020, ngay từ những năm đầu thực hiện, xã Thượng Lâm đã xây dựng kế hoạch rà soát điều kiện thực tế và giao chỉ tiêu cụ thể cho các thôn bản, hộ gia đình thực hiện làm thí điểm trước, nếu có hiệu quả sau đó mới nhân ra diện rộng. Từ cách làm này, các địa phương đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các hộ gia đình cùng tham gia thực hiện Đề án. Điển hình có gia đình ông Quan Văn Miền ở thôn Nà Thuôn. Thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn, gia đình ông đã trồng 2.000 gốc cây rau Bò khai và hằng năm đầu tư chăn nuôi hơn 300 con gà ta tại khu vực Lung Khinh thuộc thôn Khau Đao. Sản phẩm của gia đình ông Miền làm ra chủ yếu là phục vụ cho các hộ gia đình làm du lịch Homestay và các cửa hàng dịch vụ ăn, uống trên địa bàn xã. Hằng tháng giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng từ việc bán gà và rau Bò khai. 

Gia đình ông Quan Văn Miền, tiếp tục ươm giống cây rau Bò khai để trồng nhân rộng diện tích

 Theo như Ông Quan Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế của địa phương, xã Thượng lâm đã xây dựng kế hoạch, tổ chức cho nhân dân đăng ký thực hiện và giao chỉ tiêu cụ thể tới từng hộ gia đình. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay xã Thượng Lâm đã trồng được 2,7ha cây rau Bò khai với 17 hộ tham gia; trồng 1,1ha cây Ngót rừng, 0,5ha cây Giảo cổ lam. Về chăn nuôi lợn đen đến nay phát triển thêm 350 con tập trung nuôi ở các thôn Nà Ta, Cốc Phát, Khuôn Hon, Bản Bó, chăn nuôi dê có 510 con, trên 2.100 con vịt bầu và gà ta địa phương . Để thực hiện có hiệu quả đề án trên, xã Thượng Lâm đã khuyến khích người dân thành lập các loại hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sở thích để cùng nhau phát triển sản xuất trên địa bàn. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, công tác phòng trừ sâu, bệnh hại, an toàn thực phẩm, kết hợp với thị trường tiêu thụ. Giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp giống cho bà con đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm phát triển. Đồng thời, hướng dẫn đoàn viên, hội viên thực hiện các thủ tục vay vốn để các hộ có điều kiện nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi hiện có. Cùng với đó, xã tiếp tục lồng ghép các chương trình, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn, phục vụ phát triển cây trồng, vật nuôi là đặc sản thế mạnh của địa phương.

Có thể nói, sau một thời gian thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế của địa phương, nhiều hộ gia đình được lựa chọn thực hiện làm điểm, bước đầu đã có sản phẩm và cho thu nhập. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng để các địa phương trong xã tiếp tục nhân rộng mô hình phát triển các loại cây, con là đặc sản có lợi thế trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương. Hướng tới, cung cấp sản phẩm sạch có chất lượng cho thị trường gắn với phát triển du lịch ở địa phương, cũng như nâng cao hệ số sử dụng đất và tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Thúy Phượng

Tin cùng chuyên mục