Thành lập thị trấn Lăng Can cơ hội thuận lợi trong thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và khai thác tiềm năng của địa phương

Ngay sau khi được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V theo Quyết định số 1644-QĐ/UBND ngày 26/11/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND xã Lăng Can đã khẩn trương hoàn tất đề án đề nghị thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình. Cùng với đó, xã đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại.

Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại khu vực trung tâm huyện ngày càng phát triển

Việc thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình là yêu cầu cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp để quản lý, điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu công tác quản lý phù hợp với thực tiễn phát triển; đồng thời đáp ứng yêu cầu quy định có ít nhất 01 thị trấn đối với huyện và thị trấn Lăng Can là thị trấn của huyện Lâm Bình sẽ đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Chợ trung tâm huyện Lâm Bình

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập thị trấn Lăng Can, thời gian qua hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm được chủ trương mới của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã đã đồng thuận cao với chủ trương thành lập thị trấn, đây là chủ trương hợp lòng dân, đáp ứng sự mong mỏi của Đảng bộ, nhân dân trên địa bàn, xã Lăng Can cũng như nhân dân của huyện Lâm Bình.

Cơ sở hạ tầng tại khu trung tâm xã được đâu tư đồng bộ là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế

Trong những năm gần đây, xã đã được tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa - xã hội; kinh tế - xã hội đã có bước phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ và du lịch, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Lao động phi nông nghiệp trên địa bàn xã ngày càng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; các chính sách, giải pháp giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được quan tâm chú trọng; hệ thống giáo dục, y tế được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; tốc độ đô thị hóa trên địa bàn ngày một tăng… góp phần thay đổi đáng kể diện mạo của xã. Quy hoạch xây dựng kiến trúc, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, quản lý dân cư, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự công cộng, cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện và phát triển.

Các công trình giao thông kết nối giữa xã Lăng Can với các xã trong huyện được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện

Sau 10 năm thành lập huyện Lâm Bình, xã Lăng Can đến nay đã đạt đầy đủ các tiêu chí của thị trấn trực thuộc huyện. Với trên 6 nghìn nhân khẩu, chiếm trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc xã Lăng Can được thành lập thị trấn Lăng Can sẽ là điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào nhân dân các dân tộc nơi đây.

Diện mạo thị trấn Lăng Can mang đặc trưng của huyện miền núi

Việc thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang sẽ là tiền đề cho xã Lăng Can có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, tiếp tục cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao đời sống nhân dân và tạo điều kiện khai thác tốt hơn tiềm năng lợi thế của địa phương.   

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục