Lâm Bình làm tốt việc giao khoán bảo vệ rừng tại khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang

Những năm qua, huyện Lâm Bình đã làm tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng tại khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, cho các cá nhân và tổ chức tại địa phương chăm sóc, bảo vệ. Đây là cách làm sáng tạo của huyện; qua đó góp phần giữ gìn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, tạo nguồn sinh thuỷ phục vụ cho sản xuất, thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện phát triển.

 Ban Quản lý rừng Phòng hộ phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện tuyên truyền luật Lâm nghiệp 

Bà Nông thị Tươi, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà cho biết; gia đình bà nhận giao khoán 48ha rừng phòng hộ tại khu vực Phủng xã Khuôn Hà. Hàng tháng tổ chức đi tuần tra từ 4 đến 5 lần, tại khu vực mình nhận giáo khoán bảo vệ. Từ việc bảo vệ rừng gia đình bà còn tận dụng phát triển kinh tế dưới tán rừng như; chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn… cùng với đó, gia đình bà còn nuôi thêm 6 lồng cá, từ đó đã giúp gia đình Bà Tươi có cuộc sống ổn định. Mặc dù quản lý diện tích rừng là rất lớn; nhưng trong nhiều năm qua khu vực bà nhận bảo vệ, chưa hề để xảy ra một vụ xâm hại rừng dù là nhỏ nhất.

Màu xanh của rừng

Khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang, gồm 3 xã Thượng Lâm, Khuôn Hà và xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, có 45 hộ dân nhận giao khoán bảo vệ trên 1.600 ha rừng phòng hộ. Từ thực hiện phương án Hợp đồng bảo vệ rừng phòng hộ cho các tổ chức, cá nhân, có tình yêu và gắn bó với rừng để giao rừng, cùng với lực lượng kiểm lâm, cán bộ Ban quản lý rừng Phòng hộ huyện đã tạo ra mạng lưới chắc chắn bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn  thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình, nơi vừa được nhà nước xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt.

Những cây nghiến cổ thụ tại khu vực Khuổi Pín, Nặm Thuổm... xã Khuôn Hà, (Lâm Bình)

Rừng nguyên sinh tại khu vực Bọ Choáng, xã Thượng Lâm, (Lâm Bình)

Ông Tề Văn Giáp, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình cho biết: Lâm Bình hiện có tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 78%. Với gần 42.000 ha rừng phòng hộ. Trước đây, bảo vệ rừng rất khó khăn, tình trạng phá rừng lấy gỗ và làm nương rẫy thường xuyên xảy ra, thì nay đã không còn. Những hộ được nhận khoán bảo vệ rừng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Đổi lại, họ được phát triển kinh tế dưới tán rừng với điều kiện không làm tổn hại đến rừng; được hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng theo năm. Thông qua việc xã hội hóa bảo vệ, phát triển rừng ở huyện vùng cao Lâm Bình, đã huy động được sự tham gia của nhân dân địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phòng chống cháy rừng, ngăn chặn tình trạng xâm lấn, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, khai thác rừng trái phép. Giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế dưới tán rừng; góp phần xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục