Những Nữ kiểm lâm giữ rừng

Mặc dù, công việc giữ rừng gian nan, vất vả, thường trực nguy hiểm, vốn chỉ thích hợp với nam giới, song với tình yêu với rừng, ở Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình, có 3 nữ kiểm lâm viên vẫn âm thầm góp sức giữ màu xanh của đại ngàn.

Chị Ma Thị Nấng, là một người phụ nữ chân chất, giàu nghị lực năm 2019 chị dược phân công phụ trách xã Phúc yên, phụ trách quản lý trên 17.000ha rừng.  Xác định phải luôn làm tốt nhiệm vụ được giao, chị nhanh chóng làm quen với chính quyền, người dân khu vực địa bàn được giao, nắm bắt thông tin và tham mưu cho lãnh đạo Hạt về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Những chuyến đi tuần rừng thường kéo dài từ sáng sớm đến tối, mọi sinh hoạt đều phải theo đoàn. Là phụ nữ  những ngày đầu chị còn hơi e dè, tuy nhiên, tình yêu rừng giúp chị vượt qua tất cả để thích nghi với hoàn cảnh. Nhờ bám sát địa bàn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn chị phụ trách đạt kết quả tốt. Công việc của chị đã thuận lợi hơn rất nhiều do nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng ngày càng nâng cao.

Những nữ kiểm lâm và đoàn công tác tham gia tuần rừng

Chị Ma Thị Cầu, là kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Lăng Can kiêm văn thư, thủ kho, thủ quỹ. Mỗi ngày, chị đều phải lên Hạt để xử lý công văn, giấy tờ và các công việc tại Hạt mà chị phụ trách, sau đó chị mới xuống địa bàn. do kiêm nhiệm thêm việc nên mọi thứ chị đều phải xử lý nhanh và chính xác. Dù công việc bận rộn, nhưng chị luôn sắp xếp thời gian hợp lý để phát triển kinh tế mà ko làm ảnh hưởng tới công việc chuyên môn, gia đình chị hiện nuôi hơn 800 con vịt đẻ trứng, mỗi ngày cho thu hoạch gần 500 quả trứng. Vì công việc đã kín hết thời gian, nên ngày nào chị cũng tranh thủ dậy sớm thu trứng, chia trứng ra vào túi để ship cho các mối hàng để kịp thời gian bắt đầu công việc của một ngày mới.

Đối với chị Nấng và chị Cầu, rừng là tình yêu thì đối với chị Quan Thị Lành, là kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Bình An, rừng lại là một bầu trời kỷ niệm của tuổi thơ. Chị Lành sinh ra và lớn lên ở xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa). Trong ký ức của chị, tuổi thơ là những ngày theo mẹ lên rừng hái măng, nhặt củi. Đối với chị Lành, bảo vệ màu xanh cho rừng cũng là bảo vệ tuổi thơ của chính mình. Vì vậy, dù vất vả nhưng chưa bao giờ chị hối hận về lựa chọn của bản thân.

Với địa hình rộng, địa hình chia cắt, núi cao, vực sâu, mỗi kiểm lâm viên phải phụ trách khối lượng công việc rất lớn, vì vậy đối với nữ kiểm lâm viên là một thách thức không nhỏ. Khi phân công cán bộ kiểm lâm địa bàn là nữ, lãnh đạo Hạt cũng trăn trở, nhưng qua thời gian công tác, các chị làm việc hiệu quả không thua kém nam giới. Thậm chí, các nữ kiểm lâm địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền còn có phần xuất sắc hơn, tiến độ công việc và nhiệm vụ được phân công luôn đảm bảo.

Đối với những nữ kiểm lâm viên những dấu chân của các chị chắc hẳn phải nhiều như lá cây trên rừng, và chắc chắn những cánh rừng kia sẽ mãi xanh tươi như tình yêu của các chị dành cho rừng.

Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục