Lâm Bình thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Xác định phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở mọi thời điểm, đặc biệt gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay; từ những ngày mới thành lập, huyện Lâm Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ huyện tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp dạy nghề thủ công truyền thống cho hội viên phụ nữ

Để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là giải pháp hàng đầu được huyện quan tâm thực hiện. Đến nay, các trường học theo hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến cơ sở dạy nghề trên địa bàn đều đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ của người dân. Năng lực quản lý, sư phạm, khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng cao. Mạng lưới trường, lớp từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông được hoàn thiện, ngay sau khi huyện Lâm Bình được thành lập, huyện đã nhanh chóng thành lập mới Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS Lâm Bình và trường Trung học phổ thông Lâm Bình; cơ sở vật chất được đầu đầu tư mở rộng, nâng cấp theo hướng đạt chuẩn; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao; đến hết năm 2020 có 26/26 trường được kiên cố hóa; 11/26 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trước hai năm so với yêu cầu của Trung ương; duy trì phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Tỷ lệ huy động trẻ đi mẫu giáo hằng năm đạt 100%, tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt trên 35%; học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở đủ điều kiện chuyển lớp, chuyển cấp hằng năm đạt trên 98%, đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 95%; số học sinh đủ điều kiện vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Từ 2011 – 2020, huyện đã đầu tư xây mới 03 trường mầm non, 57 phòng học, 06 nhà hiệu bộ của bậc Tiểu học và THCS; trang cấp thiết bị dạy học với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng.

Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lâm Bình

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn được Lâm Bình xác định thực hiện từ hai nhiệm vụ chính là: Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp bố trí cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có phẩm chất, năng lực, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, hình thành được lực lượng lao động nông thôn có trình độ tay nghề cao.Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức (CCVC) được huyện quan tâm chú trọng và thực hiện đa dạng hóa với nhiều loại hình đào tạo. Khuyến khích cán bộ, CCVC tự học nâng cao trình độ đảm bảo đáp ứng được vị trí việc làm. Bên cạnh đó, hằng năm huyện thường xuyên phối hợp mở các lớp bồi dưỡng trình độ lý luận, trang bị kiến thức về công tác đảng, chính quyền, đoàn thể, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, CCVC. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 đã có 162 cán bộ được cử đi đào tạo, nâng cao trình độ, 766 cán bộ đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Huyện ủy Lâm Bình thường xuyên phối hớp bồi dưỡng lý luận nhằm trang bị trang bị kiến thức về công tác đảng, chính quyền, đoàn thể, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Với mục tiêu phát triển nhân lực toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, vừa chú trọng phát triển nhân tài và đội ngũ cán bộ, CCVC, vừa bảo đảm hài hòa về cơ cấu, cân đối nhân lực theo trình độ đào tạo, ngành, lĩnh vực, vùng miền theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã chỉ đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện dựa trên chiến lược phát triển kinh tế của địa phương tổ chức điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, xác định các nghề đào tạo, thực hiện tư vấn học nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao trình độ tay nghề, đáp ứng yêu cầu việc làm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 24,1% năm 2011 lên 41% năm 2020 trong đó đào tạo nghề trên 25%. Từ 2011 - 2020 đã giải quyết việc làm cho 11.674 lao động, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho Nhân dân.

Thời gian tới, huyện Lâm Bính sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng phát triển nhân lực qua việc đào tạo gắn liền với sử dụng và trọng dụng nhân tài. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ cho sự nghiệp xây dựng quê hương Lâm Bình ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh./.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục