Lâm Bình tập trung cày lật đất phơi ải chuẩn bị sản xuất vụ Xuân 2019

So với các vụ lúa khác trong năm, vụ Đông - Xuân thường gặp những khó khăn do thời tiết khô hạn, cỏ dại và các loài sâu bệnh phát triển. Chính vì vậy, hàng năm ngành nông nghiệp thường khuyến cáo bà con nông dân nên cày ải phơi đất trước khi gieo cấy nhằm giệt trừ các mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng. Nhờ thay đổi nhận thức trong phát triển nông nghiệp nên năng xuất lúa những năm gần đây đã cao hơn so với trước đây.

 Hàng năm, sau khi thu hoạch lúa vụ Mùa xong, những diện tích không trồng cây vụ Đông, các xã đã chỉ đạo khuyến nông và trưởng các thôn bản tuyên truyền đôn đốc bà con nông dân tập trung cày lật đất để phơi ải. Vì cày ải là một biện pháp canh tác đem lại lợi ích nhiều mặt cho cây lúa nước. Cày đất phơi ải có thể diệt trừ được nhiều mầm mống sâu bệnh chuyển mùa lưu trú trong cỏ dại, đặc biệt là các loại sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, cào cào, châu chấu..v.v... Sau một vụ canh tác, đất được cày lật, phơi khô, các khí độc trong đất được giải phóng, tạo sự thông thoáng, tơi xốp cho đất. Việc cày đất phơi ải còn giúp bà con nông dân chuẩn bị đất sớm. Khi đến thời vụ, việc điều tiết nước đổ ải đồng loạt sẽ hạn chế được tình trạng nơi cấy sớm, nơi cấy muộn. Do vậy, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung đôn đốc nhân dân cày lật đất sớm để hạn chế tình trạng sâu bệnh gậy hại và lúa bị ngẹt rễ.

Bà con nồng dân ở huyện Lâm Bình đang tập trung cày lật đất để phơi ải chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2019

Việc thâm canh 2 vụ lúa liên tục trong năm với yêu cầu phải có đủ nước cho cây sinh trưởng và phát triển đã làm cho đồng ruộng liên tục bị ngập nước, sinh ra yếm khí, hệ vi sinh vật có lợi cho cây trồng hoạt động kém. Đất ngập nước lâu sẽ tồn tại một số chất khí có hại cho cây trồng, khi cày ải, phơi đất bở thì các chất khí này sẽ thoát ra bay vào không khí, đồng thời cũng tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi cho cây trồng hoạt động làm cho đất tơi xốp lên, thông thoáng, nhờ đó mà cây trồng hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng có trong đất. Làm đất là biện pháp kỹ thuật trồng trọt tác động lên đất canh tác, làm cho đất canh  tác trở thành thích hợp với việc gieo trồng các cây nông nghiệp. Các kỹ thuật làm đất ít nhiều đều có thể  trực tiếp hoặc gián tiếp tiêu diệt những dịch hại  sống và tồn tại ở trong  đất.  Cày lật đất sẽ vùi lấp xuống  lớp đất dưới nhiều sâu non, nhộng của sâu hại, hạt cỏ hại, tàn dư cây trồng có chứa nguồn bệnh. Đồng thời, cày lật đất cũng đưa các sinh vật hại từ lớp đất phía dưới lên trên mặt đất, là môi trường không thuận lợi cho nhóm này, góp phần hạn chế sự phát triển của chúng. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong, cần cày lật đất sớm để phơi khô đất. Cày lật đất  sớm  sau mỗi vụ lúa giúp tiêu diệt trực tiếp nhiều sâu non,  nhộng của sâu đục thân lúa trong  rạ và gốc rạ, tiêu diệt  tàn dư cây trồng có nguồn bệnh, tạo nguồn chất hữu cơ cho vụ sau. Tính đến thời điểm này huyện Lâm Bình đã tiến hành cày lật đất chuẩn bị sản xuất vụ Xuân 2019 được trên 60% diện tích.

Làm đất đúng lúc, đúng kỹ thuật không những làm cho tầng canh tác đáp ứng các yêu cầu của trồng trọt mà còn góp phần làm cho đất trở nên sạch mầm mống sâu, bệnh hơn. Sự nhận thức đúng đắn của bà con nông dân trong việc đầu tư chi phí cần thiết cho cày ải, chú trọng việc phòng trừ sâu bệnh trong thâm canh lúa ngay từ khâu làm đất. Đây chính là việc khôi phục lại biện pháp canh tác cổ truyền rất khoa học của ông cha ta, góp phần thực hiện nền nông nghiệp hiện đại xanh, sạch, bền vững.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục