Lâm Bình phát triển kinh tế rừng gắn với chế biến gỗ rừng trồng

Huyện Lâm Bình hiện có tổng diện tích rừng tự nhiên gần 70 nghìn ha, hằng năm huyện trồng rừng mới trên 500ha, nâng tỷ lệ tre phủ rừng đạt trên 78%. Phát huy tiềm năng thế mạnh từ phát triển kinh tế rừng, huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng và chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng tại địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Trên những sường đồi của xã Hồng Quang đâu đâu cũng được phủ xanh bởi các loại cây keo, mơ, bồ đề. Toàn xã có trên 5.488 ha diện tích rừng tự nhiên, trong đó, có trên 4.000 ha diện tích có rừng. Để phát huy được tiềm năm lợi thế từ rừng mang lại cấp ủy chính quyền xã Hồng Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Hằng năm xã trồng trên 80 ha rừng, khai thác gỗ rừng trồng trên 50 ha, sản lượng đạt trên 3.900 m3. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có các xưởng chế biến gỗ rừng trồng, đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.

Công nhân làm việc tại một xưởng chế biến gỗ thôn Nà Chúc, xã Hồng Quang

Để thực hiện đề án phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 – 2025, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế rừng, huyện Lâm Bình đã tuyên truyền vận động người dân đưa những loại giống cây trồng hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất gắn với chế biến lâm sản. Hiện trên địa bàn huyện có hàng chục cơ sở chế biến lâm sản, hằng năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn m3 gỗ, như ván thanh, ván bóc, đồ mộc đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, huyện Lâm Bình đã khai thác 206,4 ha, sản lượng khai thác gồ rừng trồng 15.579 m3, sản lượng khai thác tre, nứa 3.200 tấn. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai cơ chế chính sách khuyến khích người dân nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ kết hợp với chăn nuôi dưới tán rừng, trồng một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.  Đến nay, toàn huyện đã có trên 150 tổ chức, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích gần 13.000 ha.

Người dân Lâm Bình tiến hành chăm sóc rừng trồng

Trồng rừng gắn với chế biến lâm sản không những đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu./.

Kim Thoa

Tin cùng chuyên mục