Lâm Bình phát huy vai trò của người dân trong xây dựng Nông thôn mới

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ có trên 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghị quyết xác định tập trung phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, để từng hộ gia đình, từng người tự giác, chủ động thực hiện. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, phải nói tới vai trò của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã tích cực đóng góp công sức, tiền, vật liệu xây dựng, hiến đất để xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2017, huyện Lâm Bình đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Thượng Lâm, xã Khuôn Hà và đang nỗ lực quyết tâm đưa xã Lăng Can về đích vào cuối năm 2018.  Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “ Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, nhận thức rõ trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên với sự nghiệp trồng người, Ông Vân Phúc Hà ở Thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà huyện Lâm Bình đã tình nguyện hiến trên 3.000m2 diện tích đất đồi trồng rừng của gia đình để xây dựng trường mầm non xã. Với ông Hà, hy sinh một phần diện tích đất rừng đồng nghĩa với việc hàng năm gia đình ông sẽ mất đi một khoản thu nhập nhưng bù lại, con em đồng bào các dân tộc trong xã Khuôn Hà lại có một ngôi trường khang trang, hiện đại vừa làm nơi sinh hoạt và học tập hàng ngày. Công trình trường mầm non xã Khuôn Hà được hoàn thành là một trong những điểm nhấn quan trọng để xã Khuôn Hà về đích trong xây dựng nông thôn mới.  Đây cũng là nơi ghi dấu, sự hoà quyện giữa ý đảng và lòng dân, được nhân dân hết lòng, hết sức đóng góp công sức, vật chất để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.   

Năm 2018, xã Lăng Can được tỉnh chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Thấy được lợi ích thiết thực cũng như trách nhiệm của mình, bà Hoàng Thị Chung thôn Đon Bả, xã Lăng Can đã tình nguyện hiến gần 400 m2 đất để thôn triển khai xây dựng nhà văn hóa. Đến nay toàn xã Lăng Can đã có 73 hộ gia đình tình nguyện hiến trên 9.800 m2 đất để chính quyền và nhân dân địa phương triển khai xây dựng nhà văn hóa, các công trình phúc lợi xã hội, lắp đặt hệ thống kênh mương nội đồng và làm đường bê tông nông thôn. Đây là nguồn động lực rất quan trọng để xã Lăng Can đẩy nhanh việc hoàn thiện các tiêu chí với quyết tâm sẽ trở thành xã nông thôn mới của tỉnh vào cuối năm 2018 theo đúng lộ trình kế hoạch đề ra.

Bà Hoàng Thị Chung thôn Đon Bả, xã Lăng Can đã tình nguyện hiến gần 400 m2 đất

để thôn triển khai xây dựng nhà văn hóa

Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện Lâm Bình xác định phải khơi dậy được nguồn lực từ chính cộng đồng dân cư. Người dân vừa là chủ thể, vừa là những người  trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện các tiêu chí và chính bà con là người trực tiếp được hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Một trong những khó khăn của huyện Lâm Bình trong quá trình xây dựng nông thôn mới đó là cơ sở hạ tầng của các xã không đồng bộ, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy công tác huy động đóng góp của người dân phải xuất phát từ chính điều kiện thực tế của từng thôn, bản, từng xã và đòi hỏi chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương phải thực hiện tốt và linh hoạt công tác dân vận. Làm cho người dân hiểu trong điều kiện nguồn ngân sách đầu tư của nhà nước, của tỉnh có giới hạn và cần có sự chung tay đóng góp công sức, trí tuệ, tiền, vật liệu xây dựng của chính nhân dân sở tại. Qua thực tế triển khai trên địa bàn huyện Lâm Bình cho thấy việc phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, được trực tiếp tham gia lựa chọn đầu điểm công trình, tổ chức công khai đóng góp, huy động nguồn lực, trực tiếp tham gia quản lý, giám sát, thi công các công trình hạ tầng thiết yếu đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi tại tất cả các xã trong huyện. Cũng từ việc hiểu, nhận thức đúng đắn về trách nhiệm, nghĩa vụ trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động sự đóng góp to lớn của người dân nhất là việc hiến đất, hiến ngày công, chỉnh trang bộ mặt nông thôn và hoàn thiện tiêu chí về nhà ở. Chỉ tính riêng trong năm 2017, nhân dân xã Phúc Yên  đã đóng góp trên  một tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Căn cứ vào điệu kiện thực tế, các xã của huyện đều có những cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là huy động sức dân tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, nâng cao tinh thần đoàn kết, dân chủ -năm 2017, nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình đã đóng góp tổng kinh phí trên 6,4 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó huy động bằng tiền mặt để xây dựng nhà văn hóa là 760 triệu đồng; huy động ngày công lao động, vật tư vật liệu, hiến đất quy ra tiền là trên 5,7 tỷ đồng. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2018, nhân dân trên địa bàn huyện cũng đã huy động được 875 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn.

Một số hình ảnh của nhân dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở đã tập trung thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, tất cả mọi người dân đều được thảo luận, thống nhất, quyết định chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đề cao vai trò làm chủ của nhân dân nhưng việc huy động phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, từng xã và nhất là mỗi hộ gia đình. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền địa phương với mục tiêu đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nhưng cũng không tạo sức ép, không huy động quá sức về huy động nguồn lực đóng góp từ nhân dân. Cũng chính từ chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của người dân và đây cũng chính là nguồn lực quan trọng để huyện Lâm Bình đạt được nhiều thành công sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015-2020 về xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với chủ trương đúng đắn của Đảng, sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và chính quyền địa phương thì việc phát huy vai trò làm chủ của người dân phải được đề cao. Khi người dân hiểu rõ về chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhận thức được trách nhiệm của mình thì họ sẽ tự nguyện, tích cực tham gia cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.     

Từ những thành công thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, nhất là phát huy vai trò, quyền làm chủ của người dân trong những năm qua sẽ là kinh nghiệm quý để Đảng bộ, chính quyền huyện Lâm Bình tiếp tục khơi dậy sức dân, quyết tâm hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra./.

Chí Cường – Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục