Lâm Bình đào tạo nghề cho lao động địa phương

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn, thời gian qua, huyện Lâm Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với nhu cầu.

Chị Ma Thị Sen, thôn Tống Pu, xã Bình An cho biết, bản thân chị và các thành viên trong lớp rất phấn khởi khi được tham gia lớp dạy Nghề mây tre đan do Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình tổ chức. Với quyết tâm học nghề để có thêm việc làm, dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, chị đã nâng cao được tay nghề, hiện nay chị đã đan được các sản phẩm như bẳng chất liệu mây và tre, như: Nón, mâm, làn… thời gian tới chị tiếp tục học các kỹ thuât đan các sản phẩm mới, với mong muốn sau khi tốt nhiệp sẽ đan thuần thục các sản phẩm và bán được ra thị trường, để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả, hàng năm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã phối hợp với các cơ quan, UBND xã rà soát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn. Từ đó, có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tập trung vào hai lĩnh vực nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Theo đó, dạy các nghề nông nghiệp như: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm; hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; cùng đó là phi nông nghiệp như: điện, gò hàn … Thời gian đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp từ 1 - 3 tháng. Việc học nghề nông nghiệp phải phù hợp với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phục vụ hiệu quả công tác giảm nghèo; đối với nghề phi nông nghiệp gắn với tìm được việc làm sau khi học nghề cho các học viên.

Lớp học mây tre đan tại xã Bình An, huyện Lâm Bình

Năm 2020 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình có kế hoạch tổ chức 8 lớp học nghề bao gồm; nghề mây tre đan, nghề chế biến món ăn và pha chế đồ uống, chăn nuôi dê; Nuôi trồng thủy sản nước ngọt và trồng rau; nghề hàn… Phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 300 lao động tại địa phương. 

Điểm nổi bật trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Lâm Bình những năm gần đây là đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức để cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết về ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, mở ra cho người lao động thêm nhiều cơ hội giải quyết việc làm để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển KT-XH tại địa phương./.

 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình chú trọng công tác dạy nghề cho lao động

 

Kim Thoa

Tin cùng chuyên mục