Giảm nghèo nhờ “Dân vận khéo” tại Tiên Tốc, Bình An

Thôn Tiên Tốc xã Bình An được thành lập tháng 4 năm 2015 trên cơ sở tách 55 hộ gia đình từ thôn Nà Xé và chủ yếu là đông bào di dân tái định cư vùng lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Đây là thôn khó khăn nhất xã, khi mới thành lập tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều chiếm trên 97%. Nhận thấy đồng bào di dân thôn Tiên Tốc có nhiều kinh nghiệm chăm sóc trâu, bò nên Đảng ủy, chính quyền xã Bình An quyết tâm phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo nhằm giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống nhân dân tại đây.

Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện đã gặp muôn vàn khó khăn.  Gần như 100% các hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên rất thiếu vốn; kinh nghiệm bà con có được chủ yếu là chăn thả... Xác định là khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị cao Đảng bộ, chính quyền xã đã phối hợp tốt với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách - Xã hội tạo điều kiện về vốn đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân mua trâu, giống cỏ, xây dựng chuồng trại. Phân công cán bộ, công chức xuống từng hộ dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nhân dân. Trong đó, cán bộ, đảng viên và người có uy tín trong cộng đồng thôn bản là những người tiên phong. Với vai trò là một trưởng thôn, những năm gần đây ông Cháng A Bào không chỉ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ trong thôn nuôi trâu vỗ béo mà gia đình ông luôn gương mẫu đi đầu. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, mỗi chu kỳ 3 tháng ông đều xuất bán ít nhất là 3 đến 5 con trâu thương phẩm, trừ chi phí đi ông vẫn còn lãi từ 15 đến 20 triệu đồng.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của ông Tráng A Bào - Trưởng thôn Tiên Tốc, xã Bình An đem lại hiệu quả kinh tế cao

Nhờ làm tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” mà tới thời điểm này, tại thôn Tiên Tốc đã có 48/55 hộ với gần 100 con trâu, bò tham gia thực hiện mô hình. Chuyển trên 5 ha diện tích trồng hoa màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ chăn nuôi. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, số hộ nghèo, cận nghèo giảm từ 87%  năm 2015 xuống còn 65% thời điểm cuối năm 2018.

Một số diện tích trồng hoa màu kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi.

Ông Ma Công Khâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình An cho biết. Đây là một mô hình hay, cải thiện đời sống nhân dân một cách nhanh chóng; sau khi nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhân dân tại một số thôn như Chẩu Quân, Nà Cóoc, Phiêng Luông cũng đã bắt đầu triển khai thực hiện. Trong thời gian tới Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt trên địa bàn 7/7 thôn trong toàn xã.

Trương Văn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận HUyện ủy

Tin cùng chuyên mục