Xuân Lập gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông

Xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, có 4 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 60%. Mặc dù, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, đường đến các thôn bản xa xôi, cách trở, nhưng với nỗ lực gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa các dân tộc, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Xuân Lập, đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, đặc biệt là bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Xã đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao tạo sân chợi bổ ích cho đồng bào dân tộc Mông, được phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thôn Khuổi Trang và Khuổi Củng, là hai thôn cách trung tâm xã hơn 14 km, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đường đến thôn còn nhiều khó khăn, đầu năm 2017, hai thôn mới có điện lưới Quốc gia, hoạt động văn nghệ, thể thao chưa phát triển. Với mục đích tạo điều kiện cho người Mông ở hai thôn khó khăn nhất của xã, được giao lưu phát triển phong trào văn hóa, thể thao đặc biết là giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mông nơi dẻo cao này. UBND xã Xuân Lập, đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện tổ chức ngày hội thể thao, văn nghệ tại thôn Khuổi Củng.

Ban tổ chức khai mạc ngày hội

Trong thời gian một ngày, bắt đầu từ 8 giờ sáng, các hoạt động thi đấu thể thao với các môn thi như: đẩy gậy, bắn nỏ, đánh cù (Tù lu), bóng tuyền hơi được diễn ra rất sôi nổi, đã thu hút đông đảo nhân dân trong xã, trong huyện đến xem và cổ vũ. Buổi trưa nhân dân và du khách cùng nhau tham gia hoạt động ẩm thực, thưởng thức các món ăn truyền thống của người Mông gồm: món Thắng cố ngựa, mèn mén, lẩu dê, lợn đen quay, uống rượụ ngô men lá…

                     Các vận động viên thi đấu môn đẩy gậy

Nhân dân theo dõi môn thi bắn nỏ

Buổi chiều tiếp tục diễn ra các hoạt động thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Mông như: múa khèn, đánh yến… Buổi tối là chương trình văn nghệ với các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông như: múa khèn, tấu sáo, thổi khèn lá, hát những bài hát bằng tiếng Mông, ca ngợi Đảng, Bác hồ, quê hương đất nước… Đây thực sự là hoạt động bổ ích, thiết thực giúp người Mông ở Khuổi Trang, Khuổi Củng nói riêng, người Mông ở xã Xuân Lập, nói chung có dịp thể thể hiện những trò chơi, tiết mục văn nghệ mang đậm nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Nhân dân và du khách thưởng thức các món ẩm thực và trao đổi hàng hóa.

Để bản sắc văn hóa dân tộc Mông được giữ gìn và phát triển, các địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội thi, hôi diễn để các nghệ nhân và lớp trẻ người Mông được thi tài, phô diễn những nét đẹp độc đáo của dân tộc mình. Như vậy mới gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nói riêng nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung. Qua đó, sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế du lịch ở địa phương.

 

Những chàng trai người Mông thể hiện sức  mạnh và sự khéo léo qua môn đánh cù ( tù lu)

Tiết mục múa khèn của các chàng trai dân tộc Mông

Để truyền lửa cho văn hóa dân tôc Mông, ngày càng phát triển và trường tồn đến thế hệ mai sau ngoài những nỗ lực của chính người dân tộc Mông, thì cấp ủy, chính quyền ở địa phương cần quan tâm tạo điều kiện để người Mông được giao lưu, kết nối giữa văn hóa dân tộc Mông với các dân dộc khác. Từ đó nhân lên lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ bản sắc của dân tộc mình.

Một số hình ảnh diễn ra trong ngày hội văn nghệ, thể thao tại thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập

Hà Khánh - Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục