Thượng Lâm mảnh đất sơn thủy hữu tình

Thượng Lâm là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của huyện Lâm Bình. Được bao bọc bởi những dãy núi đá và măt nước hồ thủy điện Tuyên Quang rộng lớn, Thượng Lâm được ví như một Hạ Long trên cạn. Nêu mọi người chưa biết đến mảnh đất Thượng Lâm thì hãy tìm hiểu qua bài viết này và hãy tìm đến Thượng Lâm để khám phá mảnh đất và con người nơi đây.

  Qua bao thế hệ, những người già Thượng Lâm, Lâm Bình thường kể cho con cháu truyền thuyết phượng hoàng về làm tổ trên vùng đất mình sinh sống. Truyền thuyết kể rằng, vùng đất này là nơi giao hòa giữa trời và đất, địa khí phong thủy, hữu tình. Vào một ngày người dân trong vùng chợt nhìn thấy một đàn phượng hoàng bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi để làm tổ. Nhưng chỉ có 99 ngọn núi đủ để 99 con đậu, còn một con bay lượn đi, lượn lại không tìm thấy chỗ đậu bèn vỗ cánh bay đi. Vậy là, cả đàn lại bay theo con chim đó, để lại dấu tích 99 ngọn núi với hình dáng chim phượng hoàng, mỗi ngọn núi một thế đứng khác nhau tạo thành quần thể núi đá sinh động bao quanh lòng chảo Thượng Lâm trù phú. 

Những ngọn núi đá kỳ thú được bao bọc bởi nguồn nước trong xanh 

  Lại có một tích khác về những người con gái đất Thượng Lâm rằng: Nơi thung lũng Thượng Lâm này, xưa có một nàng tên Bàn Hoa Trang, sắc nước hương trời, nhờ có được bí quyết làm đẹp từ một loài thảo dược chỉ có trên vùng 99 ngọn núi. Vẻ đẹp của nàng chẳng mấy chốc đến tai Vinh Thành đại vương, Ngài bèn rước Nàng về làm vợ. Thương nhớ quê, không muốn để mất bài thuốc bí truyền, Bàn Hoa Trang đã kịp âm thầm bày lại cho những cô gái Thượng Lâm phương thuốc thần diệu kia. Nhờ thế, chẳng mấy chốc cả vùng Thượng Lâm sơn cước này bỗng thành một thung lũng với những người con gái đẹp. Bởi vậy mà Thượng Lâm không nổi tiếng với những cảnh đẹp mê hồn mà Thượng Lâm còn được ca ngợi là “Miền gái đẹp” đã tốn nhiều giấy mực của các nhà báo khi đến đây.

Con gái Thượng Lâm không chỉ đẹp, chăm chỉ, khéo léo
 mà còn rất mến khách

  Thượng Lâm còn có di tích chùa Phúc Lâm ở thôn Nà Tông. Đây là một trong những nơi ẩn chứa các dấu tích của một nền văn hóa xưa đầy tự hào, tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng đãng và bằng phẳng dưới chân núi Chùa mang phong cách kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần thế kỷ XIII - XIV. Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia. Năm 2011, chùa được phục dựng bằng gỗ, theo hướng Tây Nam, nằm ngay trên khuôn viên của ngôi chùa cũ, kiến trúc hình chữ Nhất theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam, gồm một gian hai chái, mái lợp gạch nung. Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết (nhất là dịp lễ hội Lồng tông vào ngày 15 tháng Giêng), nhân dân và du khách gần xa đến với Lâm Bình đều hướng tới ngôi chùa Phúc Lâm để thăm quan, cầu an, cầu lộc, cầu cho mùa màng bội thu. 

Chùa Phúc Lâm

  Đến Thượng Lâm du khách còn rất ấn tượng với những nếp nhà sàn vương làn khói trắng, thanh bình thấp thoáng ven những triền núi. Thật ấm cúng khi du khách cùng ăn những bữa cơm thân mật với gia chủ. Trên sàn nhà bên bếp lửa hồng cùng nhau nâng bát rượu ngô và thưởng thức các món ăn truyền thống do các bà, các mẹ, các thiếu nữ nấu. Những món ăn như măng rừng luộc chấm mẻ, rượu ngô, cá ướp mẻ nướng, rau dớn xào, canh đắng... mang dư vị của núi, của rừng đủ làm du khách say lòng với đất và người Thượng Lâm.
Với tiềm năng phát triển du lịch như vậy, những năm gần đây cấp ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng đầu tư vào phát triển du lịch,  đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng Homestay. Đây là loại hình du lịch cộng đồng dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. Cấp ủy, chính quyền xã Thượng Lâm đã định hướng cho những hộ gia đình có ý tưởng làm du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng để xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa và khôi phục lại những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Phối hợp với các xã trong huyện tạo ra những tua, tuyến du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến với Thượng Lâm. Qua đó tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

Toàn cảnh Thượng Lâm

  Mặc dù, du lịch ở xã Thượng Lâm nói riêng, huyện Lâm Bình nói chung hiện nay mới đang trong giai đoạn “khởi động” nhưng bước đầu đã thu hút được khá đông nhân dân và du khách gần xa đến với Thượng Lâm, đây là tiền đề rất thuận lợi để du lịch Lâm Bình “cất cánh” trong thời gian tới. 

Bài, ảnh: Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục