Du lịch xứ Tuyên qua

Trong nhiều trại sáng tác, nhà văn Sương Nguyệt Minh thường chia sẻ: “Ký là thể loại vừa phản ánh sự thật cuộc sống lại vừa thể hiện được cái tôi sáng tạo”. Qua những bài ký, độc giả được hòa mình cùng cảm xúc của người viết khi đi qua mỗi vùng đất, làng quê, để từ đó khơi gợi được ý muốn dịch chuyển, khám phá thực tế. So với những thể loại văn học nghệ thuật khác thì ký có “cung đường đi riêng” đầy hấp dẫn, thú vị trong việc quảng bá cảnh đẹp con người quê hương.

Trên văn đàn xứ Tuyên có nhiều cây viết thường thể hiện cảm xúc qua thể loại ký. Đó là một Ngọc Hiệp với trang viết đầy trữ tình, mềm mại; một Nguyễn Đình Lãm với giọng văn dí dỏm, đôi khi tâm hồn vượt ngưỡng thực tại; một Đỗ Anh Mỹ là câu chữ điềm tĩnh, nhẹ nhàng, chân thực; một Tạ Bá Hương luôn cẩn trọng quan sát và chỉn chu theo từng mạch văn khác lạ; một Hoàng Kim Yến với thái độ đầy yêu thương, trân quý từng nhân vật, ký ức... Và còn rất nhiều tác giả nổi bật như: Cao Xuân Thái, Lê Na, Mai Thái Sơn, Hồng Giang, Triệu Đăng Khoa, Huyền Nhung...

Mỗi người mang một phong cách riêng. Thế nhưng tựu chung lại các tác giả đều vận dụng ngôn ngữ để chuyển tải một cách chân thực vẻ đẹp, nét riêng có của mỗi vùng đất, mỗi con người quê mình. Điều này giúp độc giả hình dung rõ hơn và có cảm xúc tích cực với mảnh đất họ chưa đặt chân đến và hiểu sâu sắc hơn vùng quê mình đã đi qua. Từ đó thôi thúc mỗi người tự “xách ba lô lên và đi” để khám phá, trải nghiệm.

Vẻ đẹp Hồ Bản Cài, xã  Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Ảnh: Trung Kiên.

Tất cả cùng đắm say với vẻ đẹp non nước Na Hang qua bút ký “Về miền cổ tích” của Đỗ Anh Mỹ. Bằng sự cẩn trọng, tỷ mỷ tác giả đã ghi chép chân thực chuyến hành trình bắt đầu từ TP Tuyên Quang đến thị trấn Na Hang và rẽ vào Năng Khả. Bài ký không hoàn toàn ghi chép liệt kê mà tác giả đã chọn lọc những tình tiết đặc sắc để tăng độ hấp dẫn bằng một giọng điệu thật tự nhiên: “Người xưa trở lại lối này, ai nhớ, ai quên đèo Bụt, đèo Pù Cọ? Đèo Bụt, nay không còn ông Bụt. Ông Bụt thuận lòng nhường lối cho con đường mới thẳng hơn, ít dốc hơn, không chon von như con đường cũ vắt qua đèo Pù Cọ”.

Tác phẩm có ngôn ngữ trong sáng, phong phú, uyển chuyển, giàu hình ảnh, sử dụng nhiều phép tu từ và đặc biệt tác giả khéo léo lồng ghép câu chuyện cổ khiến độc giả say sưa trên từng trang viết: “Gái Thượng Lâm má hồng, môi mọng; mắt trong như nước suối rừng; tóc mượt như mây; miệng cười bẽn lẽn, má lúm đồng tiền, hát then, hát cọi đã hay, còn giỏi trồng dâu nuôi tằm, kéo lanh, dệt thổ cẩm. Du khách về đây nghe câu chuyện cổ: Chàng trai Lăng Can tìm vợ, đem nắm cơm, gắp cá nướng lên đặt ở lưng đèo. Cô gái Thượng Lâm kén chồng, đến chọn một nắm cơm, gắp cá nàng thích...”. Chỉ cần đọc đến thế thôi là độc giả đã háo hức lắm, muốn khám phá bằng được đất và người Na Hang. Bởi sự huyền ảo, kỳ bí và nguyên sơ của miền cổ tích ở nơi đây.

Trong tập bút ký “Dọc miền đất nước”, Nguyễn Đình Lãm dành phần lớn dung lượng để ghi lại hành trình trải nghiệm trên những địa danh xứ Tuyên. Người đọc được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của mảnh đất miền sơn cước. Nơi đó có những dòng thác thơ mộng, hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, bản làng bình yên nép mình dưới dãy núi điệp trùng... Tất cả đều có cội nguồn, gốc tích gắn liền với tích truyện cổ, giai thoại đầy thú vị. Tác giả đã khéo léo dẫn dắt để đưa tới nhiều lượng thông tin cho người đọc. Giọng văn như lời tâm tình nhẹ nhàng: “Bấy lâu nay, trong thâm tâm tôi cứ vương vấn mãi một chuyện tình. Một chuyện tình của đôi trai gái. Một chuyện tình có một nhịp văn chương thật buồn... Rằng ngày xửa, ngày xưa đã lâu lắm rồi...” (Chuyện tình trên kéo Loòng Nào). 

Độc giả ấn tượng hơn với nhiều đoạn văn mang đậm chất thơ, câu chữ trau chuốt, ấn tượng. Khi miêu tả thác Mạ Héc (Hàm Yên) thì: “Một ngọn thác rất đẹp, nhìn như dải lụa bạc dài lướt thướt ai buông xuống đỉnh núi Cham Chu”. Đến với thác Mơ hùng vĩ, tác giả tái hiện chân thực như một đoạn phim quay chậm: “Thác Mơ cũng có ba tầng chính, rót mạnh và lâu ngày xuống chân núi, làm trũng một vùng lớn thành cái hồ to, quanh năm nước trong leo lẻo. Thác đổ, bụi nước lơi phơi một vùng mát lạnh” (Tuyên Quang với những ngọn thác hữu tình).

Thác Mơ (Na Hang). Ảnh Trung Kiên.

Ký của Lê Na đậm chất thơ với câu chữ trau chuốt ngay từ đoạn mở đầu trong tác phẩm. Ông có khá nhiều tác phẩm ghi chép lại cung đường đã đi qua, thể hiện sự ngưỡng mộ đối với non nước quê hương. Trong đó, bút ký “Đường lên Tấu Lìn” mở đầu bằng cách viết từ suy nghĩ chân thực, tự nhiên: “... Đi thong thả để còn có thể dừng ngắm mây bay, chim hót bên rừng xanh. Ngắm những thửa ruộng mềm mại lượn dưới chân nhà sàn khi qua đất Trung Sơn...”.

Bên cạnh nhiếp ảnh, hội họa có lợi thế quảng bá du lịch một cách trực quan thì bút ký mang đến nguồn cảm hứng cho độc giả khi được đắm mình vào những trang viết chân thực, nên thơ. Bằng tình yêu quê hương và tài năng nghệ thuật, các cây viết xứ Tuyên đã chuyển tải nhiều cảm xúc cho độc giả. Qua đó truyền được cảm hứng tích cực, giúp du khách thêm yêu mến và muốn khám phá vùng đất giàu bản sắc văn hóa xứ Tuyên.

Theo Báo - TQĐT

Tin cùng chuyên mục