Thiên nhiên kỳ diệu

Trí tưởng tượng là món quà quý giá mà tự nhiên dành cho con người. Thế nhưng, thiên nhiên dường như cũng có trí tưởng tượng của riêng nó để tự tạo ra những điều kỳ diệu khó lý giải.

Cát bảy màu ở quốc đảo Mauritius

Những cồn cát bảy màu nằm ở rìa ngôi làng Chamarel nổi tiếng thường được ví như một viên ngọc quý gắn vào chiếc vương miện đội trên đầu quốc đảo Mauritius, một quốc gia ở Ấn Độ Dương. Trên diện tích khoảng 0,75ha là những cồn cát lớn với 7 màu cát khác nhau, gồm: Đỏ, nâu, tím, xanh lá, xanh lục, vàng và cam. Kỳ lạ hơn nữa, thứ cát màu nào ra màu đó xếp thành lớp khác nhau trông chẳng khác gì những dải lụa uốn lượn. Kể cả khi khách du lịch bốc một nắm cát lên tay mà trộn thì vài phút sau nắm cát sẽ tự tách ra thành các màu riêng.

Để tạo được những đụn cát đầy màu sắc này, tự nhiên đã phải mất hàng chục thiên niên kỷ. Đầu tiên là đá bazan núi lửa dần biến thành đất sét sau một quá trình dài hơn 3 thế kỷ. Sau đó, nước biển và sóng gió khiến đất sét vỡ vụn ra thành một hỗn hợp gồm có cát silica, sắt và nhôm. Chính sắt và nhôm trải qua phản ứng ôxy hóa đã tạo ra cát màu đỏ, xanh lục và vàng, rồi ba màu cát này phối trộn với nhau để tạo ra các màu khác.

Tuy đã chỉ ra được nguồn gốc màu sắc của cát, các nhà khoa học vẫn không thể giải thích được: Làm cách nào mà cát lại có thể tự phân thành các màu khác nhau? Và, trên một hòn đảo nhiều gió và sóng như Mauritius, tại sao những đụn cát vẫn tồn tại qua nhiều thế kỷ mà không bị cuốn đi? Trong lúc những nhà khoa học đang đau đầu tìm lời giải thích, hằng năm vẫn có hơn 6.000 lượt khách đến khám phá những đụn cát bảy màu ở đây.

Hồ Chấm bi ở Canada

Từ lập đông đến lập hạ, hồ Spotted Lake (còn có tên gọi khác là Kliluk theo tiếng địa phương) nằm tại phía đông bắc thị trấn Osoyoos lọt thỏm giữa thung lũng Okanagan, tỉnh British Columbia, Canada, trông chẳng khác gì những hồ nước khác. Thế nhưng khi những tia nắng hè đầu tiên chiếu xuống, nước hồ bắt đầu bốc hơi, để lại hàng chục vũng nước nhỏ nằm san sát nhau phản chiếu những ánh màu khác nhau. Từ trên cao nhìn xuống, khung cảnh chẳng khác gì một bức tranh trừu tượng đầy những dấu chấm bi, bởi vậy, hồ có tên là Spotted Lake - nghĩa là hồ Chấm bi.

Nước hồ có nhiều màu sắc khác nhau là nhờ khoáng chất trong nước. Thung lũng Okanagan thời cổ đại là đáy biển, vì thế mà trong nước và đất ở đây lúc nào cũng có nhiều muối, canxi, natri... Nước trong hồ nào có hàm lượng khoáng chất càng cao thì càng có nhiều màu.

Những người da đỏ bản địa coi hồ Chấm bi là nơi linh thiêng và có khả năng chữa bệnh. Quả thật, nguồn khoáng chất trong nước hồ có một số tác dụng y học tích cực, và vì thế nhiều du khách đã đến Osoyoos để được ngâm mình trong hồ Chấm bi.

Hang đá cẩm thạch ở Chile.

Tuy được coi là một trong những báu vật tự nhiên của nhân loại nhưng hang đá cẩm thạch ít có cơ hội đón tiếp khách du lịch do vị trí cô lập của mình: Nằm giữa hồ General Carrera ở trung tâm dãy núi Patagonia ngăn cách Argentina và Chile. General Carrera là hồ nước ngọt lớn nhất Chile và lớn thứ hai ở Nam Mỹ. Điểm sâu nhất trong lòng hồ nằm dưới mực nước biển 586m.

Với hình thù kỳ lạ, mặt nước thay đổi sắc màu lục liên tục, phản chiếu lên thành hang tạo thành những hiệu ứng đặc biệt, hang đá cẩm thạch kích thích trí tưởng tượng của khách du lịch về những điều kỳ diệu. Vì thế mà vô số nghệ sĩ nhiếp ảnh trên toàn thế giới đã đổ về hang đá này để tìm cảm hứng sáng tạo.

“Đê của người khổng lồ” ở Ireland 

Kỳ quan đặc biệt nhất tại Antrim (Ireland) là ba ngọn núi mang tên Giant’s Causeway (Đê của người khổng lồ) đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Giant’s Causeway gồm khoảng 40.000 cột đá bazan đan xen với nhau, kết quả của những vụ núi lửa phun trào thời cổ đại, cách đây khoảng 50 - 60 triệu năm. Truyền thuyết cho rằng ba ngọn núi được hai người khổng lồ tạo ra. Người thứ nhất, Fionn mac Cumhaill, muốn vượt biển từ Ireland sang Scotland, thế nhưng anh ta lại bị  Benandonner ở bờ bên kia ngăn cản. Fionn bèn bốc lên tay từng nằm đất ném xuống nước để tạo thành một cây cầu. Dẫu vậy, cầu chưa xây xong thì Benandonner đã nhảy lên đất Ireland để đuổi đánh Fionn. Người khổng lồ Ireland chỉ chạy thoát được nhờ sự nhanh trí của vợ khi cô cải trang anh ta thành một đứa trẻ. Khi Benandonner nhìn thấy Fionn, hắn nghĩ rằng nếu con đã to lớn như thế này, hẳn ông bố phải to gấp đôi hắn. Thế là Benandonner sợ quá, bỏ chạy về Scotland.

Ngày nay, “Đê của người khổng lồ” là địa điểm chụp ảnh lý tưởng của khách du lịch đến với miền Tây Bắc Ireland.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục