Kích cầu du lịch nội tỉnh Tuyên Quang

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch cả nước nói chung và của tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Lượng khách du lịch đến Tuyên Quang trong những tháng đầu năm giảm hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, đây là khủng khoảng và tổn thất lớn nhất của ngành du lịch từ trước đến nay, tất cả hoạt động du lịch, dịch vụ đều đóng băng.

Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch nội địa, nội tỉnh bắt đầu khởi động trở lại. Từ tháng 5 đến nay, hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động du lịch được xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông của Trung ương, của tỉnh, Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh, trên Website của Sở và các cơ quan chức năng góp phần thu hút đông đảo du khách đến với Tuyên Quang.

Thác Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa.  

Tuyên Quang có nhiều loại hình du lịch, trong đó không ít sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách, điển hình là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước và lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành điểm đến của du khách gần xa. Những loại hình du lịch này được bắt đầu khởi động, do đó cơ hội để Tuyên Quang cán đích thu hút trên 2 triệu lượt khách trong năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được.

Để thực hiện tốt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thực sự là khâu đột phá phát triển cần có giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan, dịch bệnh hoành hành. Tỉnh tiếp tục xây dựng môi trường du lịch an toàn; giữ gìn môi trường sống trong lành gắn với nhiều hoạt động ý nghĩa tại các điểm, khu du lịch như sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, trồng nhiều cây xanh, giữ gìn nguồn nước sạch tại các hồ sinh thái, thác nước, hang động; duy trì sự đa dạng sinh học ở các khu rừng nguyên sinh để thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm, thăm thú.

Mùa hè này là cơ hội lớn để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Tuyên Quang nổi tiếng với những danh thắng, hang động kỳ thú và hệ động thực vật phong phú, đa dạng trong quần thể rừng nguyên sinh trải dài ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Na Hang), rừng nguyên sinh Lâm Bình và dãy núi Cham Chu kỳ vĩ. Hồ sinh thái Na Hang, Lâm Bình hơn 8.000 ha mặt nước như vịnh Hạ Long đang được kết nối với hồ Ba Bể (Bắc Cạn) hình thành khu bảo tồn thiên kỳ thú. Tuyên Quang và Bắc Cạn đang phối hợp chặt chẽ hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục đề nghị tổ chức UNESCO công nhận hồ Na Hang - Lâm Bình - Ba Bể trở thành di sản thiên nhiên thế giới. Ngay trong tháng 6 này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch nội tỉnh với sự tham dự của các công ty lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh và trong nước. Hiện tại, nhiều công ty du lịch đã tung gói kích cầu (khuyến mại, giảm giá) du lịch nội tỉnh để thu hút đông đảo du khách đến với Tuyên Quang. Các huyện, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá du lịch; các cơ sở lưu trú, cơ sở homestay chỉnh trang, nâng cao chất lượng buồng, phòng, giảm giá các dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch đến với địa phương. Trên hồ sinh thái Na Hang, Lâm Bình thời điểm này tấp nập khách đến tham quan, các tour, tuyến du lịch hầu như kín khách trong tuần.

Du khách trải nghiệm bơi thuyền Kaya trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.

Ngành du lịch tỉnh tạo điều kiện tốt nhất để các đoàn Famtrip đến khảo sát du lịch tại các địa phương trong tỉnh. Famtrip là hình thức du lịch miễn phí dành cho các hãng lữ hành, các nhà báo tới một hay nhiều điểm du lịch của một hay nhiều địa phương trong tỉnh để làm quen với các sản phẩm du lịch, từ đó tiến hành khảo sát, lựa chọn, xây dựng chương trình du lịch có hiệu quả thiết thực để chào bán cho khách, các nhà báo viết bài tuyên truyền nhằm thu hút khách du lịch. Thực tế, ngành du lịch và các địa phương trong tỉnh đã triển khai hình thức du lịch này tương đối hiệu quả, khách du lịch biết đến Tuyên Quang và các địa phương trong tỉnh nhiều hơn và họ đã chọn nhiều địa danh của tỉnh là điểm đến trong những kỳ nghỉ lễ, kỳ nghỉ cuối tuần.

Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá, kích cầu du lịch, ngành phối hợp với các cơ sở du lịch, lưu trú, các công ty du lịch tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên, bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Hướng dẫn viên du lịch có vai trò quan trọng, họ là những đại sứ giới thiệu, mời gọi và giữ chân du khách đến với quê hương Tuyên Quang giàu lòng mến khách, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

Tuyên Quang đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Hiện nhiều dự án du lịch đang được triển khai như Khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm của Tập đoàn VinGroup, Khu du lịch sinh thái tại Sơn Dương của Tập đoàn FLC, công trình tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào… Đây là những dự án lớn, tầm cỡ đầu tư vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, lịch sử là một lợi thế của tỉnh, trong tương lai gần du lịch Tuyên Quang thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, là khâu đột phá để phát triển.

Lê Thanh Sơn (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Tin cùng chuyên mục