Kiểm tra thực hiện Nghị quyết, Quyết định, Dự án, Đề án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn huyện Lâm Bình

Vưa qua, đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, quyết định, dự án, đề án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn huyện Lâm Bình. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số sở ngành. Lãnh đạo huyện Lâm Bình có đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Quyết định 144/QĐ-UBND ngày 19/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang … Cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình từ huyện tới cơ sở đã tập trung chỉ đạo, xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Xây dựng hệ thống kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn và hằng năm làm cơ sở để triển khai thực hiện. Tập trung huy động nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng phát triển du lịch. Hệ thống giao thông kết nối đã cơ bản hoàn thành nhất là đường giao thông nội bộ tại các điểm du lịch cộng đồng như Nà Tông, Nặm Đíp, Thượng Minh được nâng cấp, mở rộng đáp ứng yêu cầu của du khách. Các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch được triển khai đồng bộ, hỗ trợ có hiệu quả các hộ gia đình phát triển loại hình du lịch cộng đồng; hình thành, duy trì phát triển các câu lạc bộ biểu diễn văn nghệ truyền thống, bước đầu đã hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện như: Lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc, nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, du lịch cộng đồng...

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND Tỉnh đã kiểm tra việc tại huyện Lâm Bình

Quan tâm, khuyến khích phát triển các sản phẩm hàng hóa, quà lưu niệm phục vụ du khách, tính riêng từ đầu năm 2024, đến hết tháng 02 số lượt khách du lịch đến tham quan, du lịch tại huyện đạt 43.200 lượt du khách, doanh thu xã hội từ du lịch trên 47 tỷ đồng.Hiện toàn huyện có trên 60 cơ sở lưu trú (trong đó 11 nhà nghỉ; 54 homestay), gần 20 nhà hàng, quán ăn. Bên cạnh đó, huyện đã chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch như: Du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch sinh thái... Trong đó, tập trung xây dựng loại hình du lịch lễ hội, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện. Xây dựng trên 20 điểm check in, dừng chân tại các địa điểm phù hợp để du khách trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm. Trong năm 2022, 2023 xây dựng 03 điểm check in, dừng chân cỡ lớn (tại Bản Cài thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; Huyện đã xác định xây dựng 03 làng văn hóa đặc trưng, đó là: Làng văn hóa Nà Tông, xã Thượng Lâm; Làng văn hóa thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang ; làng văn hóa tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can. Khuyến khích các hộ gia đình phát triển các dịch vụ du lịch, các sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ du khách.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Huyện Lâm Bình có rất nhiều lợi thế về tự nhiên như phong cảnh, bản sắc văn hóa dân tộc,… Tuy nhiên, việc thực hiện các Nghị quyết của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, việc hỗ trợ, triển khai vẫn còn dàn trải chưa tập trung, chưa phát huy được thế mạnh của địa phương. Đồng chí Phó chủ tịch Hoàng Việt Phương đề nghị huyện cần tập trung khai thác vào các lợi thế đặc biệt là văn hóa và diện tích mặt hồ thủy điện gắn với tài nguyên rừng; huyện cần phải tạo ra sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu. Đối với vấn đề quy hoạch đồng chí đề nghị huyện cần chủ động rà xoát, phối hợp với các sở ngành liên quan làm sao để phát huy được tối đa lợi thế của địa phương./.

Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục