Lâm Bình làm tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng gắn với bảo vệ các loài động vật hoang dã tại rừng phòng hộ

Huyện Lâm Bình hiện có 70.000 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng phòng hộ là trên 43.000 ha, rừng sản xuất gần 26 nghìn ha, độ che phủ rừng toàn huyện hằng năm đạt trên 75%. Bên cạnh đó, huyện Lâm Bình còn giàu trữ lượng tài nguyên rừng với nhiều loại động, thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm đang cần được quan tâm, ưu tiên bảo vệ.

Công tác tuyền truyền cho người dân về bảo vệ rừng

Trong những năm qua, Huyện Lâm Bình đã thường xuyên triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ hệ động, thực vật quý hiếm nói riêng. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quản lý rừng nói chung và các loài động vật hoang dã nói riêng; Cùng với đó huyện thường xuyên quán triệt, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thông qua các buổi học tập Nghị quyết, cuộc họp chuyên môn, cuộc họp của Đảng bộ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức người lao động về việc bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm. Đồng thời, các ngành chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi phá rừng săn, bắn, bẫy bắt, buôn bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Cùng với đó UBND 8 xã trên địa bàn huyện cũng tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu và chấp hành các quy định về việc quản lý bảo vệ rừng bảo vệ động vật hoang dã. Hiện tại, diện tích rừng tự nhiên hiện có trên địa bàn huyện còn nhiều loại gỗ và thực vật quý hiếm như: Pơ Mu, Thông tre, Thông đỏ, Nghiến, Trai lý, Đinh, Sến, Giổi, các loài Lan kim tuyến và một số loài dược liệu quý hiếm như cây một lá, Thất diệp nhất nhị hoa, các loài động vật như: Voọc đen má trắng, Vượn, Khỉ, Hươu, Lợn rừng, Mèo rừng, cu li, cầy, nhím… Đặc biệt, trên địa bàn huyện chủ yếu là vùng đồi núi có 76 thôn bản đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung, đời sống các hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, sinh sống phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên rừng nên đôi khi vẫn xảy ra tình trạng một số người dân sử dụng các loại súng, bẫy tự chế để săn bắt động vật hoang dã. Các đối tượng vi phạm thường rất tinh vi, mặt khác việc săn bắt, vận chuyển thường diễn ra vào ban đêm và ở trong rừng do vậy rất khó cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý… Bên cạnh đó, vùng rừng giáp ranh của huyện Lâm Bình với các Huyện bạn lại rất rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nên để phát hiện, ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã quý hiếm trái phép chưa được kịp thời. 

Cán bộ Ban quản lý rừng Phòng hộ huyện Lâm Bình tăng cường công tác tuần tra rừng

Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm Lâm huyện Lâm Bình phối hợp với các cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 26 vụ việc; trong đó tập chung vào các vụ việc như phá rừng 4 vụ, vận chuyển lâm sản 3 vụ. Đã xử phạt hành chính trên 117 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước. Cùng với đó việc tuyên truyền phòng chống chữa cháy bảo vệ rừng và động vật hoang dã bằng nhiều hình thức, qua hội nghị chuyên đề, lồng ghép sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội, họp cơ quan, thôn, bản, sân khấu hóa tại các buổi giao lưu văn nghệ quần chúng… Trên các phương tiện thông tin đại chúng như Cụm loa không dây của Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện đến mọi người dân, thường xuyên rà soát sửa chữa các bảng, biển tuyên truyền, in ấn các ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng và quản lý bảo vệ động vật hoang dã.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục