Lâm Bình khi rừng được bảo vệ và người dân được hưởng lợi

Thực tế cho thấy, chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình đã phát huy được tính hiệu quả trong sử dụng đất và bảo vệ rừng. Nhiều gia đình đã phát huy tính chủ động sau khi nhận đất, tiến hành thực hiện các hoạt động đầu tư trồng rừng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho hộ, trực tiếp làm tăng độ che phủ rừng. Sau một thời gian thực hiện chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng phục hồi rừng và nâng cao độ che phủ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng không ngừng tăng lên.

Cũng như nhiều hộ gia đình ở địa phương, Năm 2013 khi có chủ chương giao đất, giao rừng cho tổ chức, các nhân nhận bảo vệ và chăm sóc, gia đình anh Triệu Quang Cẩm, ở xã Khuôn Hà đã mạnh dạn tham gia nhận khoán bảo vệ 276ha rừng tại khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Trong đó có 30ha rừng phòng hộ được nhà nước hỗ trợ theo quy định, với mức 400 nghìn đồng/1ha/năm. Như vậy, với 30ha mỗi năm cũng cho gia đình anh Cẩm có thêm thu nhập 12 triệu động. Nhưng theo anh Cẩm, ý nghĩa hơn cả của việc giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng là đã tạo được tâm lý yên tâm đầu tư vào rừng, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế. Quyền sử dụng đất lâm nghiệp ổn định và lâu dài đã tác động đến tư duy kinh tế, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của gia đình, tạo điều kiện nâng cao quyền tự chủ về kinh tế. Xuất hiện nhiều mô hình hộ gia đình, mô hình liên kết cộng đồng quản lý sử dụng rừng và đất rừng hiệu quả, bằng việc kết hợp các biện pháp khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên với trồng bổ sung cây bản địa gắn với quy hoạch các vùng nông lâm kết hợp, trồng xen dưới tán rừng lấy ngắn nuôi dài. Ngoài ra việc áp dụng mô hình chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng kết hợp tận dụng diện tích mặt nước vùng lòng hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình để nuôi trồng thủy sản, mỗi năm còn cho ra đình anh có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Mô hình chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng của gia đình anh Triệu Quang xã Khuôn Hà đem lại hiệu quả kinh tế cao

Huyện Lâm Bình hiện có gần 70 nghìn ha rừng, trong đó có trên 43 nghìn ha rừng phòng hộ, gần 26 nghìn ha rừng sản xuất. UBND huyện Lâm Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, cấp xã và các tổ đội ở thôn, bản. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng và quản lý tốt lâm sản.

Lãnh đạo UBND huyện và lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra công tác quản lý và bảo vệ rừng tại cơ sơ

Là địa bàn có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho thảm đông, thực vật phát triển tạo sự phong phú và đa dạng sinh học, trong đó có nhiều loài đã được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và Thế giới. Đây là khu vực nằm trong rừng phòng hộ đầu nguồn, có giá trị rất lớn trong việc điều tiết nước và phục vụ công tác nghiên cứu về tài nguyên sinh vật, địa chất, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như tạo động lực để cho địa phương phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá và du lịch mạo hiểm hấp dẫn du khách. Nhận thức được vấn đề này, một trong những giải pháp được huyện Lâm Bình đặc biệt coi trọng đó là công tác chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và thảm thực vật phong phú cũng như các loài động, thực vật quý hiếm. Với gần 13 nghìn ha diện tích rừng được giao nhận khoán, bảo vệ, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân và tổ chức cho 157 hộ gia đình nhận khoán trong đó có 61 hộ nhận khoán, chăm sóc bảo vệ rừng tại vùng lòng hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình với tổng diện tích trên 3 nghìn ha. Cùng với đó huyện Lâm Bình cũng đã tập trung hỗ trợ các gia đình nhận khoán, chăm sóc bảo vệ rừng được ưu tiên phát triển kinh tế dưới tán rừng bằng các hình thức như chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ. Từ việc tổ chức tốt giao khoán, bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, trong những năm qua, số vụ vi phạm lâm luật đã giảm, diện tích rừng nguyên sinh và các loài động, thực vật, thảm thực vật trên địa bàn được giữ vững qua đó đã góp phần bảo vệ nguồn sinh thủy cho vùng lòng hồ đồng thời phục vụ tốt cho phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Có thể nói, kết quả giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp đã tạo được tiền đề đảm bảo rừng có chủ thực sự, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả. Từ đó, tác động thúc đẩy phát triển lâm nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn miền núi. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được giao đất giao rừng từng bước ổn định, phát triển bền vững.

Chí Cường - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục