Huyện Lâm Bình chủ động phòng chống rét cho gia súc

Với đặc thù của huyện vùng cao, thời điểm này nhiệt độ tại huyện Lâm Bình đang giảm, tình trạng rét buốt kèm sương mù đã xảy ra vào sáng sớm và đêm khuya. Để đảm bảo cho công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. UBND huyện Lâm Bình quán triệt và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân các biện pháp che chắn chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa đông.

Chị Lý Thị Hoa, thôn Tân Hoa, xã Bình An, (Lâm Bình) chăm sóc vật nuôi

Theo Ông Hoàng Văn Minh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm cho biết: Rút kinh nghiệm trong những năm trước đây, năm nay ngay sau khi thu hoạch lúa Mùa, bà con trong khu dân cư đã chủ động tích trữ rơm dạ, trồng thêm nhiều diện tích cỏ voi, và ngô đông làm thức ăn cho gia súc; đồng thời chuẩn bị nguồn thức ăn tinh bột như cám, ngô... Nhằm bổ sung lượng thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa đông. Với sự chủ động về nguồn thức ăn và gia cố lại chuồng trại, đến nay; đàn gia súc trong thôn Nà Tông đều sinh trưởng phát triển tốt.

Hiện nay, huyện Lâm Bình có gần 13 nghìn con gia súc; trong đó có 9.882 con trâu và trên 2.951 con bò. Những năm trước, người dân thường chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ, và chăn thả gia súc ngoài tự nhiên. Việc chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trong mùa Đông, nhất là những ngày rét đậm, rét hại chưa được người dân quan tâm, dẫn đến một số trâu, bò bị chết rét. Nhưng nay, người dân xác định chăn nuôi là sinh kế để vươn lên thoát nghèo nên có chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi, nhất là vào mùa đông.

Ông Tề Huy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lâm Bình chia sẻ: Tuy mới vào đầu mùa Đông, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp chống đói rét, cũng như phòng các bệnh truyền nhiễm cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Cụ thể, vào những ngày trời rét đậm, rét hại người dân không được thả rông gia súc, gia cầm; tập chung gia cố, che chắn để giữ ấm cho vật nuôi; thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi bảo đảm sạch sẽ, khô ráo, lót ấm nền chuồng bằng rơm rạ. Đồng thời, cho gia súc ăn uống đầy đủ, chủ động nguồn thức ăn dự trữ, bổ sung thêm thức ăn tinh bột để tăng sức đề kháng, chống chịu các loại bệnh truyền nhiễm cho đàn vật nuôi; thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan. Với các giải pháp tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, huyện Lâm Bình quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thời tiết gây ra trên đàn gia vật nuôi, góp phần đắc lực vào công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân./.

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục