Lâm Bình tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021; triển khai phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2022

Sáng ngày 10/12, UBND huyện Lâm Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tuyến với điểm cầu các xã, thị trấn trong huyện. Dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Lâm Bình có các đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Nông Thị Toản, UV BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của huyện. Tại điểm cầu các xã, thị trấn có Lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, công chức Địa chính phụ trách nông, lâm nghiệp xã; viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phụ trách xã; nhân viên Khuyến nông xã; trưởng các thôn bản, tổ dân phố; Giám đốc Hợp tác xã NLN của các xã, thị trấn

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện Lâm Bình năm 2021

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn và toàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 26.056 tấn, tăng 7.930 tấn so với năm 2020, đạt 106% kếhoạch. Trồng lạc cả năm đạt 1.961,6 ha, tăng 1.459 ha so với năm 2020, đạt 100,8% kế hoạch, năng suất bình quân đạt 33,1 tạ/ha, sản lượng đạt 6.463,8 tấn, đạt 102% kế hoạch. Thực hiện 13 mô hình, gồm 9 mô hình trồng trọt, 01 mô hình thủy sản và 03 mô hình trồng cây ăn quả và các loại cây khác. Tổng đàn gia súc, gia cầm đến thời điểm 1/10/2021 là 311.370 con, trong đó: đàn trâu 9.882 con, đạt 93,6% so với kế hoạch; đàn bò 2.951 con, đạt 106% so với kế hoạch, đàn lợn 33.802 con, đạt 88,4% kế hoạch, đàn gia cầm 264.730 con, đạt 82,7% kế hoạch, đến nay 9/9 xã thị trấn công bố hết dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tổng sản lượng thủy sản đạt 692 tấn, đạt 100% kế hoạch. Hiện có 1 cơ sở nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Về lâm nghiệp, toàn huyện trồng mới được 722,7 ha rừng, đạt 103% kế hoạch, trong năm khai thác 630,5 ha rừng, đạt 101,7% kế hoạch, sản lượng gỗ gần 50.985 m3, đạt 95,8% kế hoạch. Đã phát hiện và xử lý 33 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, giảm 03 vụ so với năm 2020.

Công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai, ứng phó với biển đổi khí hậu. Đã đầu tư nâng cấp 3 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 10,1 km kênh mương, đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất của bà con nông dân. Hoàn thành di chuyển 17/17 hộ nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm đến nơi ở an toàn trước mùa mưa lũ. Trong năm xảy ra 5 đợt thiên tai, đã thực hiện hỗ trợ trên 309 triệu đồng để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai. Tổ chức thành công cuộc diễn tập ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn huyện Lâm Bình năm 2021. Đén nay, toàn huyện có 36 Hợp tác xã Nông lâm nghiệp đang duy trì hoạt động, đã phát huy được những ưu điểm, tiềm năng của kinh tế tập thể, góp phần tạo thu nhập cho thành viên Hợp tác xã. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, tư vấn các chủ thể lập hồ sơ cho 4 sản phẩm gồm: Măng Khô Lâm Bình, Vịt suối Vằng Seng, Cá đặc sản Lâm Bình, Dầu lạc Thổ Bình để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm năm 2021.

Đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 29/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gắn với thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp về phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025, huyện đã xác định tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa đối với cây chè Shan Khau Mút, xã Thổ Bình; sản xuất, tiêu thụ lạc tập trung tại các xã Phúc Sơn, Minh Quang, Thổ Bình, Thượng Lâm,… Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa đặc sản. Duy trì và nâng cấp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển ổn định chăn nuôi dê núi hữu cơ, lợn đen địa phương tại các xã. Xây dựng các vùng nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao, trong đó tập trung vào các sản phẩm từ cá: Chiên, Lăng, Bỗng,... với sản lượng cá bình quân trên 21 tấn/năm. Duy trì giữ vững 2 xã Thượng Lâm, Khuôn Hà đạt chuẩn nông thôn mới (riêng xã Lăng Can đến thời điểm 01/7/2021 chuyển thành thị trấn); hoàn thành 6/12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch năm, nâng số tiêu chí đạt bình quân/xã lên 14,2 tiêu chí, tăng 0,7 tiêu chí so với năm 2020.

Thực hiện các mô hình với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, huyện Lâm Bình đã triển khai thực hiện 2 mô hình gồm: Chăn nuôi dê sinh sản và trồng, chế biến dược liệu tại Bình An, Xuân Lập, Phúc Yên hiện đang được thực hiện theo kế hoạch.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2021 công tác sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện còn có những tồn tại, hạn chế, đó là việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm. Một số sản phẩm nông nghiệp của các xã, thị trấn sản xuất, chất lượng còn nhiều hạn chế so với các địa phương khác của tỉnh. Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm của các xã, thị trấn chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ tiêm phòng cho đàn lợn, gia cầm thấp; Dịch tả lợn Châu Phi chưa được khống chế triệt để, còn 485 hộ có 2.235 con lợn mắc bệnh, tổng trọng lượng tiêu hủy là 81.720kg. Bên cạnh đó, dịch bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xuất hiện và bùng phát tại 9/10 xã, thị trấn với tổng số con mắc là 311 con, trong đó số con bò mắc bệnh chết phải tiêu hủy là 44 con với tổng trọng lượng 8.622kg, gây ảnh hưởng kinh tế đến hộ chăn nuôi. Nuôi trồng thủy sản chưa phát huy được tiềm năng lợi thế, nhất là khu vực lòng hồ thủy điện; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản còn manh mún, nhỏ lẻ. Quy mô, chất lượng sản phẩm OCOP chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch còn chậm, đặc biệt là các chỉ tiêu do người dân thực hiện như chỉnh trang nhà cửa, cải tạo đường điện sau công tơ, vệ sinh môi trường, thu nhập, hộ nghèo, xây dựng 03 công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi…

 Năm 2022, huyện Lâm Bình phấn đấu nâng giá trị sản xuất Nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 420 tỷ đồng, nâng tổng sản lượng, lương thực có hạt lên 24.869 tấn. Duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm trên 338.448 con. Trồng mới 650 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 78%. Duy trì 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Thượng Lâm, Khuôn Hà, Thổ Bình. Hoàn thành 3 vườn mẫu nông thôn mới; xây dựng kế hoạch thực hiện 01 thôn nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thổ Bình… 

Tại Hội nghị các địa biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra các giải pháp thực hiện trong năm 2022 như: khuyến khích các hộ gia đình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương theo hướng nông nghiệp sạch, nhất là đối với cây lúa, lạc, chăn nuôi cá, dê, lợn địa phương. Thực hiện tái đàn vật nuôi sau khi dịch bệnh tả lợn Châu phi, dịch Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò được khống chế. Nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển. Công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cũng như áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi… Quán triệt, triển khai cho nhân dân hiểu và thực hiện Nghị quyết số 03, ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh, về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025…

Đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã đánh giá cao những kết quả mà ngành sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đã đạt được trong năm 2021. Đồng thời, đồng chí yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn của huyện, bước sang năm 2022 cần tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tư vấn Nhân dân thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm theo nghị quyết Đại hội lần II của huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Nghị quyết 28 ngày 29/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gắn với thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp về phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025. Cùng với đó, kết nối với các điểm, sàn giao dịch trong tỉnh, trong nước tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tập trung chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Xuân 2022 gắn với đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân khi tham gia lao động sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn xảy ra. Chuẩn bị các phương án triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi vụ Đông - Xuân. Đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thực hiện các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Nhân dịp này Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình đã quyết định khen thưởng cho các 4 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021.

Thông qua hội nghị tổng kết, các địa phương và các cơ quan chuyên môn của huyện đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện trong năm 2022, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục