Đảng bộ huyện Lâm Bình lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá

Thực hiện Nghị quyết 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025, Đảng bộ huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các địa phương lựa chọn được những cây trồng, vật nuôi chủ lực, có ưu thế để tập trung phát triển gắn với việc xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Ngay sau khi Nghị quyết 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Bình đã quán triệt, triển khai và xây dựng chương trình hành động của Đảng bộ huyện thực hiện Nghị quyết. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở, các cơ quan chuyên môn và UBND các xã triển khai thực hiện Nghị quyết 16 về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Theo đó, huyện Lâm Bình đã chú trọng chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể phát triển những cây trồng vật nuôi chủ lực có thế mạnh của địa phương. Lâm Bình có điều kiện tự nhiên thuận lợi đối với việc phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi cá lồng. Hiện tổng diện tích nuôi thả cá trên địa bàn huyện là 3.500 ha, bao gồm diện tích hồ thủy điện và hệ ao hồ. Số lượng lồng cá hiện có 90 lồng, gồm các loại cá trê, cá nheo, cá trắm và nhiều loại cá đặc sản như cá lăng, cá bỗng, dầm xanh, anh vũ... Sản lượng khai thác thủy sản vài năm trở lại đây đã đạt trên 400 tấn. 

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang

Huyện triển khai nhiều dự án chăn nuôi như: Dự án chăn nuôi cá thịt, vịt đẻ trứng trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang thực hiện tại xã Khuôn Hà, Thượng Lâm. Hiện có 20 hộ nuôi trên 5.000 con vịt đẻ trứng ở khu Nà Pu, Nà Phường xã Thượng Lâm. Dự án chăn nuôi cá thịt trên vùng hồ thủy điện Tuyên Quang thực hiện tại xã Khuôn Hà; Dự án nuôi trâu vỗ béo tại xã Bình An; Dự án chăn nuôi lợn thịt tại xã Lăng Can và Dự án nuôi lợn nái tại xã Thổ Bình, Khuôn Hà. Bên cạnh đó, các cấp hội, đoàn thể đã tín chấp các nguồn vốn ủy thác, từ các ngân hàng và Quỹ hỗ trợ Nông dân của Trung ương, của tỉnh cho hàng nghìn hộ nông dân vay vốn. 

Mô hình nuôi trâu vỗ béo

Chăn nuôi được huyện chú trọng đầu tư và phát triển đúng hướng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo thu nhập chính cho người dân. Toàn huyện hiện có gần 9.000 con trâu và gần 1.500 con bò, hơn 24.000 con lợn và trên 124.000 con gia cầm. Năm 2015, UBND huyện Lâm Bình đã phê quyệt quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đến năm 2020 trên địa bàn 8 xã. Về trồng trọt, huyện quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích trên 637 ha; vùng chuyên canh cây ngô 150ha; chuyên canh cây lạc 256ha; chuyên canh cây mía gần 100ha; vùng chuyên canh cây chè shan 250ha; vùng trồng rau 42,3ha. Về nuôi trồng thủy sản, huyện quy hoạch 25 ha mặt nước được tận dụng từ diện tích lúa 2 vụ để vừa cấy lúa vừa thả cá tại xã Thổ Bình; 650 ha mặt nước từ hồ thủy điện Tuyên Quang, chăn nuôi cá lồng với 360 lồng chủ yếu là các eo ngách thuộc địa bàn 3 xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên. Để phát triển các loại cây trồng,  vật nuôi có thế mạnh của địa phương thực sự trở thành hướng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, cấp uỷ, chính quyền các xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng nuôi nhốt… Đồng thời tận dụng các nguồn vốn từ chương trình 135 và vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ hộ nghèo đầu tư mua giống…

Mô hình nuôi lợn đen

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025, theo đó huyện Lâm Bình đã ban hành Nghị quyết 34a về phát triển nông nghiệp hàng hoá giai đoạn 2016 – 2020. Cùng với đó, huyện đã xây dựng Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 – 2020 gồm: cây rau Bò khai, rau Ngót rừng và cây Giảo cổ lam phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích là 30ha, trong đó rau Bò khai 15 ha, Ngót rừng 10 ha và rau Giảo cổ lảm trên 5 ha. Phấn đấu đến năm 2020, các con vật nuôi đặc sản gồm lợn đen địa phương đạt 7.500 con, tăng 4.000 con so với năm 2016; dê địa phương đạt 10.000 con, tăng 7.500 con so với năm 2016; gà địa phương đạt 10.000 con tăng 5.000 con so với năm 2016; vịt bầu thả suối đạt 10.000 con và vịt trời đạt 6.000 con, sản lượng thịt các loại trên 500 tấn. 

Mô hình nuôi vịt bầu địa phương

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã và đang lồng ghép các nguồn lực, chương trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư vốn, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện khuyến khích và tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo các mô hình kinh tế gia trại, trang trại, phát triển sản xuất theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác; tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị và kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Mô hình trồng cây rau Bò khai

Triển khai đưa Nghị quyết số 16 vào thực tiễn cuộc sống, đã và đang từng bước làm thay đổi tư duy, sản xuất của người dân, phát huy được tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục