Lâm Bình giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.

Mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng người dân các dân tộc ở huyện Lâm Bình vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có nghề dệt vải thổ cẩm của người Tày. Đây là một nghề thủ công có từ rất lâu, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn là sản phẩm đang được các công ty thiết kế thời trang liên kết bao tiêu sản phầm cho người dân.

Trước đây các hộ gia đình người dân tộc Tày ở xã Lăng Can nhà nào cũng tự đóng cho gia đình một chiếc khung cửi để dệt nên những tấm vải thổ cẩm truyền thống của dân tộc dùng để làm váy, áo, làm chăn, gối dùng trong sinh hoạt gia đình. Đặc biệt theo phong tục của người Tày ở đây trước khi đi lấy chồng người con gái Tày phải biết thêu, dệt được những tấm chăn thổ cẩm để làm quà cưới  biếu cha, mẹ, người thân bên nhà chồng. Bây giờ xã hội phát triển có rất nhiều sản phẩm chăn, váy, áo phong phú, hiện đại, giá cả cũng phù hợp nhưng với những ai yêu thích sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày thì họ vẫn giữ nguyên được bản sắc đó.

Tại thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can hiện nay vẫn có khoảng 10 hộ gia đình còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống và vẫn thường xuyên dệt nên những tấm vải thổ cẩm để làm quà cho khách du lịch khi đến với địa phương. Những năm trở lại đây, du lịch ở huyện Lâm Bình đã có sự phát triển, kèm theo những sản phẩm du lịch hấp dẫn như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thì bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng được du khách ưa thích tìm hiểu và trải nghiệm như: nghề đan lát, nghề thêu, dệt vải thổ cẩm...

Để khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày phục vụ khách du lịch và đưa sản phẩm này trở thành hàng hóa cung cấp cho thị trường, thời gian qua cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động phụ nữ ở thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can tập trung khôi phục lại và liên kết thành những tổ, nhóm cùng nhau làm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sau một thời gian tập trung truyền dạy và tiến hành vừa làm vừa nghiên cứu cải tiến khung cửi và mẫu mã sản phẩm,  đến nay chị em phụ nữ ở thôn Nặm Đíp đã làm ra những sản phẩm Thổ Câm đạt chất lượng cao, được nhiều du khách ưa chuộng. Từ việc nỗ lực khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, chị em phụ nữ ở thôn Nặm Đíp đã thành lập được HTX Thổ Cẩm Lâm Bình, với gần 20 thành viên tham gia. Việc thành lập HTX là cơ hội tốt để chi em có điều kiện học tập, hỗ trợ nhau trong quá trình dệt nên những tấm vải thổ cẩm đẹp, chất lượng tốt để cung cấp cho thị trường. Qua đó, góp phần to lớn vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, đồng thời tạo thêm việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ.

Nghề dệt thổ cẩm của người Tày là nét văn hóa rất độc đáo và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày trên địa bàn huyện Lâm Bình, do vậy thời gian tới cấp ủy, chính quyền và người dân xã Lăng Can nói riêng, huyện Lâm Bình nói chung cần tập trung giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng để đưa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trở thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch có giá trị kinh tế cao.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục