Xã Thượng Lâm nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập

Thượng Lâm là xã đầu tiên của huyện vùng cao Lâm Bình về đích Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2015. Để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nói chung, tiêu chí thu nhập nói riêng, những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân xã Thượng Lâm đã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực khuyến khích người dân phát triển kinh tế, nâng cao mức thu nhập và giảm nghèo, nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Đồ ở thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm là một trong những hộ gia đình có nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi. Do vậy, để nâng cao mức thu nhập cho gia đình, ngoài việc chú trọng đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao vào sản xuất, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực trong các mùa vụ, gia đình ông Đồ còn tập trung phát triển chăn nuôi 2 giống lợn thịt là lợn đen địa phương và lợn lai. Hiện nay, trong chuồng của gia đình ông luôn duy trì nuôi 10 con lợn nái sinh sản và hơn 60 con lợn thịt/lứa. Mặc dù giá lợn hơi hiện nay giảm so với trước đây nhưng nhờ được chăn nuôi từ thức ăn có trong gia đình nên gia đình ông cũng không gặp nhiều khó khăn. Chăn nuôi lợn cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. 

Mô hình chăn nuôi lợn thịt của gia đình ông Nguyễn Hữu Đồ ở thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.

Để giúp người dân nâng cao mức thu nhập, tạo tiền đề để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã Thượng Lâm đã phối hợp với các ngành chuyên môn của của huyện tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho người dân. Đồng thời, huy động, lồng ghép tất cả các nguồn vốn cho bà con nông dân vay phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa. Hiện nay, xã có 24 hộ gia đình được vay vốn theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng để chăn nuôi cá lồng trên vùng lồng hồ thủy điện Tuyên Quang và chăn nuôi trâu sinh sản. Ngoài ra, xã còn có 4 hộ gia đình được Công ty TNHH Trường Chính Kiệt hỗ trợ giống vịt siêu trứng về nuôi và nhận bao tiêu sản phẩm. Thực hiện chương trình 135, xã đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo mua máy làm đất đa năng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do được tập huấn kỹ thuật và được hỗ trợ trong phát triển sản xuất và chăn nuôi nên tổng sản lượng lương thực năm 2017 của xã Thượng Lâm  đạt 3.390 tấn. Tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì và phát triển ổn định, với trên 31.620 con, trồng mới 77,8 ha rừng, đạt 102% kế hoạch. Cùng với việc khuyến khích người dân tận dụng vào điều kiện lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, xã Thượng Lâm còn tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước nhằm góp phần nâng cao mức thu nhập. Từ nhiều giải pháp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, đến nay mức thu nhập bình quân đầu người của xã Thượng Lâm đạt 26 triệu đồng/ người/ năm, tăng 7 triệu đồng/ người/ năm so với năm 2015. 


Chăn nuôi dê cũng giúp nhiều hộ dân ở xã Thượng Lâm có thêm nguồn thu nhập

 Về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xã tiếp tục huy động nhân dân đắp lề đường bê tông nông thôn và thường xuyên quét rọn, vệ sinh đường làng ngõ xóm. Thực hiện kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng theo Nghị quyết số 15 và số 03 của HĐND tỉnh, từng bước hoàn thiện về kết cấu hạ tầng cơ sở. Có thể nói, bằng sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, xã Thượng Lâm vẫn cơ bản duy trì được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn từng ngày được khởi sắc, nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục