Mô Hình chăn nuôi thủy cầm trên vùng lòng hồ

Với lợi thế về diện tích mặt nước, nhiều hộ nông dân ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư phát triển lĩnh vực chăn nuôi thủy sản và chăn nuôi thủy cầm. Đây là hướng đi mang lại hiệu quả thiết thực trong việc chuyển đổi cơ cấu giống và chuyển đổi phương thức sản xuất mới.

Vùng Lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang có khá nhiều eo ngách nên thuận lợi cho việc phát triển các lĩnh vực chăn nuôi. Để ra được trang trại nuôi vịt sinh sản, của gia đình anh Trần Văn Lâm ở thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, huyện vùng cao Lâm Bình. Chúng tôi phải mất gần 30 phút di chuyển bằng thuyền cá nhân của gia đình anh Lâm. Toàn bộ thức ăn, thuốc phòng bệnh cho thủy cầm đều vận chuyển bằng phương tiện này. Anh Lâm chia sẻ, qua thực tế cho thấy; ưu điểm từ chăn nuôi vịt sinh sản của gia đình ở trên eo ngách lòng hồ là hạn chế được dịch bệnh, đồng thời tận dụng được nguồn thức ăn giàu chất đạm từ nguồn lợi thủy sản đánh bắt trên lưu vực lòng hồ. Với phương thức chăn nuôi này, đã giúp gia đình anh giảm chi phí sản xuất, tránh dịch bệnh và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm khi cung cấp ra ngoài thị trường.

Trang trại nuôi vịt của Anh Lâm (nhìn từ xa)

Bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi vịt sinh sản từ năm 2017, người nông dân trẻ Trần Văn Lâm đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi khác trong tỉnh. Đặc biệt, được sự hỗ trợ về nguồn vốn thông qua kênh tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, anh đã đầu tư phát triển và nâng cao số lượng của tổng đàn. Đến nay, gia đình anh đang duy trì 500 con vịt sinh sản, mỗi ngày mang lại nguồn thu trên 400 quả trứng thương phẩm. Từ việc bảo vệ trên 42 ha rừng phòng hộ anh Lâm đã tận dụng lợi thế; kết hợp chăn nuôi lợn đen dưới tán rừng và nuôi vịt sinh sản tại khu vực eo ngách lòng hồ nên sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Thu nhập bình quân từ chăn nuôi và bảo vệ rừng đã cho gia đình anh Lâm trên 100 triệu đồng trên năm.

Gia đình  Anh Trần Văn Lâm, xã Khuôn Hà, chăn nuôi vịt lấy trứng tại vùng lòng hồ

Bên cạnh phát triển chăn nuôi thủy sản thì việc đầu tư chăn nuôi và mở rộng quy mô tổng đàn thủy cầm của gia đình anh Trần Văn Lâm và một số hộ nông dân khác ở xã Khuôn Hà đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đây cũng là mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện đang được xã Khuôn Hà chọn làm mô hình điểm để tiếp tục mở rộng trên địa bàn xã trong thời gian tới.

 

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục