Cuộc sống của đồng bào Mông trên quê hương mới

Cách đây 12 năm, đồng bào dân tộc Mông ở xã Thúy Loa, huyện Na Hang đã được di dân về thôn Tiên Tốc, xã Bình An, huyện Lâm Bình. Trên vùng đất này, đồng bào đã đoàn kết xây dựng cuộc sống mới bằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của từng hộ gia đình. Đến nay, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, đồng bào đã biết lựa chọn hướng đi phù hợp trong mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp nên đời sống đã có sự đổi thay căn bản./.

Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đồng bào dân tộc Mông ở Tiên Tốc đã lựa chọn phát triển chăn nuôi đại gia súc và trồng cây công nghiệp mía là những ưu tiên để tập trung phát triển. Đến nay, đồng bào đang duy trì trên 10ha mía nguyên liệu và trên 300 con trâu được chăn nuôi theo hình thức vỗ béo, trở thành thôn có tổng đàn đại gia súc lớn nhất ở xã Bình An. Theo ước tính, bình quân mỗi hộ đồng bào trong thôn đang duy trì 6 con trâu. Đồng bào đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi này với mục đích là vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ, vừa đảm bảo mức thu nhập cho từng hộ gia đình.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của các hộ đồng bào Mông ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An

          Trưởng thôn Tráng A Bào là một cán bộ trẻ tuổi ở Tiên Tốc. Với sự nhiệt tình, năng động, anh đã cùng với những cán bộ khác ở trong thôn tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước để tập trung giúp đỡ các hộ gia đình đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Nhờ đó nên trong vài năm trở lại đây, số lượng tổng đàn đã không ngừng được tăng lên, nhiều gia đình đồng bào Mông ở Tiên Tốc đã có được nguồn thu nhập cao và ổn định. Đặc biệt, với quy trình chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật nên đã giảm chi phí tổ chức sản xuất, nâng cao tính hiệu quả cho số hộ tham gia chăn nuôi ở đây.

Kết hợp trồng chọt với chăn nuôi đang là hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình

          Trải qua hơn 10 năm di dân theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về nơi ở mới, đồng bào dân tộc Mông ở Tiên Tốc đã có được thành quả đáng kể trong lao động sản xuất. Việc lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế và tập quán của đồng bào đã giúp vùng quê mới Tiên Tốc có được mức sống cao so với mặt bằng chung của Bình An, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang./.

Chí Cường - Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục