Khuôn Hà, huyện Lâm Bình chủ động ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi

Theo thống kê của Chi cục thú y tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày 28/ 5/ 2019, toàn tỉnh có 4 huyện gồm: Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, có ổ dịch tả lợn Châu Phi, số lợn phải tiêu hủy là trên 500 con. Chính vì vậy hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cùng với các địa phương trong huyện, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch bệnh có thể xuất hiện trên địa bàn.

Gia đình bà Hỏa Thị Sứ, thôn Nà Thom, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình là một trong những hộ chuyên kinh doanh, giết mổ lợn thịt phục vụ nhu cầu thực phẩm của bà con nhân dân trong thôn, xã. Ngay sau khi nghe thông tin từ ti vi, báo, đài, và cấp ủy chính quyền tuyên truyền, bà Sứ đã biết dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh. Chính vì vậy, bà Sứ chỉ mua, bán lợn thịt ở địa phương chứ không nhập lợn từ nơi khác đến, lựa chọn những con lợn khỏe mạnh, được cán bộ thú y kiểm dịch, để giết mổ phục vụ nhu cầu thực phẩm bà con nhân dân trong thôn, xã. Đồng thời, bà Sứ cũng ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh, giết mổ lợn.

Bà Hỏa Thị Sứ, thôn Nà Thom, xã Khuôn Hà ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh, giết mổ lợn.

Ngay sau khi có thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh Tả lợn Châu Phi, UBND xã Khuôn Hà đã chỉ đạo đến các thôn, bản thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh. Kiểm soát các hộ chuyên mua, bán vận chuyển giết mổ lợn, nghiêm cấm việc vận chuyển, mua bán lợn từ địa phương khác đến. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi và nhân dân nhận thức đúng về bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn. 

Theo các cơ quan chức năng,  dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Vi rút này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh... Vi rút này tồn tại 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh và có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút hoặc 60 độ C trong 20 phút. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi không có khả năng lây sang người. Vì vậy, người tiêu dùng không nên hoang mang, quay lưng với thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn mà hãy lựa chọn mua thịt từ những cửa hàng thực phẩm sạch, có uy tín, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và nấu chín kỹ trước khi sử dùng../.

Kim Thoa

Tin cùng chuyên mục