HUYỆN LÂM BÌNH CHÚ TRỌNG KIẾN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG, PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Kiên cố hoá kênh mương nội đồng là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

  Những năm qua, các địa phương trên địa bàn huyện Lâm Bình, luôn chú trọng đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất của người dân. Nhờ có hệ thống kênh mương kiên cố được xây dựng, dẫn nước tưới cho các cánh đồng mà người dân đã chủ động trong sản xuất, đảm bảo gieo cấy theo đúng khung thời vụ.
       Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phong trào làm thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương nội đồng trên địa huyện Lâm Bình luôn nhận được sự đồng tình hưởng ứng người dân. Nhất là từ khi huyện triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Từ năm 2016 đến nay, nhiều thôn bản trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ cấu kiện kênh mương đúc sẵn để lắp đặt, phục vụ sản xuất. Nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương, trước khi diễn ra sản xuất vụ mùa 2017, thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang đã được hỗ trợ làm 300 mét kênh mương bằng khối bê tông đúc sẵn, bà con nông dân trong thôn ai nấy đều vui mừng phấn khởi, nhiệt tình đóng góp công sức, làm hoàn thiện tuyến mương theo đúng kế hoạch đề ra. Tuyến kênh mương được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đáp ứng được nhu cầu tưới chắc thường xuyên cho diện tích lúa của bà con trong thôn. Có nước dẫn về ruộng thường xuyên nên diện tích lúa của bà con trong thôn luôn phát triển tốt. Từ nay đến cuối năm, thôn tiếp tục huy động bà con làm thêm 500 mét kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, nhằm phục vụ sản xuất trong các mùa vụ và hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.  

Hệ thống kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn tại thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang đang phát huy hiệu quả 

       Bằng nhiều nguồn kinh phí đầu tư khác nhau và sự đóng góp của người dân, huyện Lâm Bình đã chú trọng đầu tư xây dựng, kiên cố hóa các tuyến kênh mương tại các thôn bản, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con. Nhờ có hệ thống kênh mương kiên cố được xây dựng, dẫn nước tưới cho các cánh đồng mà người dân đã chủ động trong sản xuất, đảm bảo gieo cấy theo đúng khung thời vụ. Đồng thời, giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ chỗ phụ thuộc vào yếu tố thời tiết thì nay đã chủ động trong việc gieo trồng, nhất là chuyển đổi từ làm 2 vụ /năm sang làm 3 vụ/ năm, giúp nhiều hộ gia đình tăng thêm nguồn thu nhập. Để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất của bà con, góp phần hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2017 huyện Lâm Bình tiếp tục huy động các nguồn lực, lồng ghép đầu tư làm trên 23 km mét kênh mương nội đồng bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn ở các tất cả các xã trên địa bàn huyện. Để hoàn thành được kế hoạch trên, từ đầu năm 2017 các địa phương trong huyện đã tổ chức rà soát, đăng ký thực hiện theo chỉ tiêu được giao. Đồng thời, chỉ đạo các thôn bản, khi có cấu kiện bố trí thời gian phù hợp, vận động nhân dân thực hiện đảm bảo tiến độ. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở cũng đã huy động đoàn viên, hội viên tích cực đóng góp ngày công giúp bà con vận chuyển, lắp đặt các tuyến kênh mương. Nhờ tạo được sự đồng tình hưởng ứng của người dân, đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện đã nhận đủ cấu kiện bê tông đúc sẵn và làm được 13,60 km kênh mương, đạt tỷ lệ 59% kế hoạch, trong đó: xã Khuôn Hà 4,36 km; Lăng Can 4,01 km; Xuân Lập 0,32 km; Thổ Bình 0,42 km; Thượng Lâm 1,70 km; Bình An 1,44 km; Phúc Yên 0,70 km; Hồng Quang 0,65 km. Có thể thấy, việc chú trọng quan tâm kiên cố hóa công trình thủy lợi không chỉ đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất của bà con mà còn kết hợp với quy hoạch kiến thiết đồng ruộng, giao thông nội đồng. Qua đó, giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới.

Việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng đã nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện

       Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa thực sự đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao Lâm Bình. Đồng thời, không chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong các mùa vụ của bà con nông dân, mà việc sản xuất lúa theo hướng tập trung như quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới cũng đã được duy trì phát triển ổn định. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lương thực trong các mùa vụ sản xuất.

T/h: Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục