NGUỒN GỐC NGHỀ DỆT Ở LĂNG CAN

Ngày xửa ngày xưa, người Tày ở vùng lăng Can chưa có nghề trồng bông dệt vải. Người ta lấy vỏ cây sui, cây sảng đập cho mềm ra, khâu thành đồ mặc, hoặc là phải mua từ nơi khách về. Đồ không làm ra phải đi mua bao giờ cũng đắt.

Năm ấy vào tiết tháng ba giáp hạt, trong bản bỗng xuất hiện một bà lão ăn xin. Bà lão mặc rách, người gầy đét. Bà vào xin ngay ngôi nhà đầu tiên. Nhà này đông miệng ăn, cũng có một bà cụ già nên cơm phải nấu hai nồi. Một nồi những ngô là ngô để cả nhà ăn, một niêu cơm trắng giành cho người già. Khi bà lão ăn xin bước lên thang, người con trai xới bát cơm ngô thì người mẹ ngăn lại, bảo xới cơm trắng đem cho. Ăn xong, bà lão cảm ơn rồi ra khỏi bản.

Mùa đông năm ấy trời lạnh khác thường. Một ngày mưa rầm lướt thướt, gió bấc hun hun, lại thấy bà lão ăn xin bước thấp, bước cao lần đến. Trời lạnh tê cõng tay chân mà bà chỉ phong phanh manh áo mỏng. Bà lão đi mãi đến giữa bản mới vào xin. Trời rét không ra đồng được, trong nhà hai vợ chồng và đứa con đang sưởi lửa. Thấy bà lão ăn xin, họ mời ngồi vào bếp. Người vợ đứng lên xới bát cơm nguội, đĩa dưa rắc thêm vài hạt muối dưa đưa cho bà. Ăn xong, bà lão định đi, người chồng nói:

- Bà ngồi sưởi chút đã.

Nói rồi anh lấy tấm chăn cũ đang đắp cho hai đứa con ra, cầm kéo cắt làm đôi. Một nửa đắp lại cho con, nửa kia anh quàng lên vai bà già, nói:

- Bà còn đi xa, quàng thêm mảnh chăn này.

Bà lão cảm ơn rối xuống thang.

Rồi vụ giáp hạt tháng tám lại đến, lác đác có nhà đứt bữa. Người trong bản lại thấy bà lão ăn xin. Bà gầy hơn, chân bước chậm hơn. Bà đang định qua cầu đi về cuối bản, chẳng may ngã tòm xuống suối. Bọn trẻ chăn trâu vội nhảy xuống vớt, mấy đứa chạy về gọi người lớn. Bà lão được đưa vào ngôi nhà gần đấy, sưởi ấm và hong áo quần. Vợ chồng chủ nhà dọn cơm mời bà ăn. Xong bữa, bà lão dượm đứng lên thì người chồng nói:

- Mời bà ngủ lại cho khỏe người, mai hãy đi.

Sáng ra cả nhà hoảng hốt không thấy bà lão đâu. Người vợi vào chỗ bà nằm thì thấy một cái túi vải. Người chồng mở ra xem. Trong túi có những hạt nho nhỏ, màu đen. Họ đem túi hạt ấy gieo ra nương.

Một hôm, sau cơn mưa sáng sớm người chồng thăm nương. Anh rất vui khi thấy đám hạt đã nảy mầm xanh xanh.

Họ chăm bón những cây lạ trồng cùng một nương với cây ngô, cây đậu. Tháng năm cây ra hoa, rồi làm quả. Tháng tám, quả khô vỏ tách những nuốm sợi mỏng tang trắng muốt. Thế là có bao nhiêu hạt, mùa ấy họ đem trồng hết. Năm sau họ chia hạt cho hàng xóm. Qua ba, bốn năm cả bản biết trồng, năm sáu năm thì cả vùng trồng.

Bấy giờ người ta mới chỉ biết dùng bông để làm chăn, làm đệm mà thôi.

Vài năm sau vào ngày hội Lồng tông, có bốn cô gái bạn nhau đi hội. Lúc lội qua con suối, nhìn thấy đèn chéo đang chen nhau bơi ngược dòng, họ đuổi theo để bắt. Nhiều lần đuổi gần kịp thì đàn cá lại bơi nhanh hơn, có lúc đã nắm được trên tay nhưng lại tuột mất. Đàn cá cứ như trêu bốn co gái. Họ đuổi ngược mãi dòng suối. Đến đoạn suối ngầm, đàn cá biến mất. Bốn cô gái tiếc ngẩn người, ngẩng lên thì trời đã sâm sẩm. Bốn cô lo không tìn được đường ra. Chợt thấy chỗ gần cửa suối ngầm có vầng sáng phát ra. Cả bốn cô cùng đi về phía đó. Đến gần thì là một cửa hang. Càng đi vào, hang càng rộng, càng sáng. Đi một lúc nữa gặp những bậc đá rộng phẳng. Lên hết những bậc đá, mở ra khoảng trời rộng thoáng đãng. Trước mặt họ hiện ra một bà lão. Nhìn kỹ thì chính là bà lão xin ăn dạo trước. Các cô gái chạy lại chào, hỏi thăm sức khỏe của bà. Bà lão cảm ơn các cô đã không quên mình. Sau đó bà bảo các cô đi theo. Đến một gian nhà rông có đặt những khung gỗ cồng kềnh, bà lão nói:

- Bà nay đã già, có nghề dệt này truyền lại cho các cháu.

Nói rồi bà ngồi lên khung dệt làm mẫu. Các cô học làm theo. Bảy ngày bảy đêm thì học được nghề dệt. Sang ngày thứ tám, sáng ra thức dậy, các cô ngạc nhiên thấy mình ở trong một cái hang đá, cửa hang nhìn ra cánh đồng của bản, những nóc nhà sàn ở phía xa xa. Những chiếc khung cửi còn đó, cả những cuội sợi, tấm vải dệt dở dang, chỉ có bào lão là không thấy đau. Bấy giờ mọi người mới biết bà lão ăn xin chính là bà Tiên.

Đến nay những khung cửi ấy vẫn còn trong hang đá ở Lăng Can, người bản vẫn trồng bông dệt vải. Bông ở Lăng Can vẫn là thứ bông tốt nhất; chăn, đệm Lăng Can làm ra bán chạy nhất.

sưu tầm

Tin cùng chuyên mục