Lâm Bình thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng

Thức tế cho thấy, thực hiện chính sách dân tộc đòi hỏi không chỉ có quyết tâm cao, nhận thức đúng mà còn phải xây dựng được những cách làm có hiệu quả, các hình thức bước đi thích hợp với từng nơi, từng dân tộc, ở mỗi giai đoạn và thời điểm khác nhau cho phù hợp với những cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm xoá đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tốc độ gia tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng nhằm thực hiện mục tiêu chung mà Đảng ta đã đề ra.

Là một huyện vùng cao của tỉnh, với dân số hiện có là 33.579 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 98%. Những năm qua, huyện Lâm Bình luôn xác định thực hiện tốt các chính sách dân tộc để giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn. Huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 135; các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn; đồng thời lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tích cực theo hướng nông thôn mới, đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên.

Nhiều Dự án chăn nuôi có hiệu quả được triển khai đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống đồng bào các dân tộctrên địa bàn huyện.

Ông Nông Văn Lành, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: “Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế của huyện và nhu cầu của người dân, huyện xây dựng kế hoạch, phân bổ chi tiết nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ. Quá trình tổ chức được thực hiện dân chủ, công khai dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của huyện. Qua đó, phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung và xử lý nghiêm các tiêu cực xảy ra”. Năm 2018, thực hiện Chương trình 135, huyện được giao trên 12 tỷ đồng, trong đó 10 tỷ 115 triệu đồng là vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và 2 tỷ 135 triệu đồng vốn hỗ trợ sản xuất cho các xã. Kết quả, huyện đã được xây dựng 14 công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, nâng cấp đường giao thông liên xã, liên thôn…, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế - xã hội. Về hỗ trợ sản xuất, đã có 147 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ mua sắm công cụ, máy móc phục vụ sản xuất; 155 con trâu, bò sinh sản được hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và 23 hộ được hỗ trợ về cây giống.

Theo ông Triệu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, xã có 99% đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đều giảm theo kế hoạch; người dân được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ phát triển sản xuất, con giống… Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được cải thiện đáng kể. Hiện thu nhập bình quân của người dân đạt 920 nghìn đồng/người/tháng, tăng 100 nghìn đồng so với năm 2017. Số hộ nghèo từ 81,1% năm 2016 đến nay giảm còn 78%.

Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; hệ thống đường giao thông liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi. 98% thôn, bản được sử dụng điện lưới Quốc gia; 8/8 xã có trụ sở UBND được xây dựng khang trang; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc được triển khai hiệu quả đã góp phần giúp huyện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chí Cường

Tin cùng chuyên mục