Lâm Bình dự Kỳ họp chuyên đề trực tuyến HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026

Sáng 14-3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh đã tổ chức Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 xem xét các dự thảo nghị quyết quan trọng. Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến HĐND 7 huyện, thành phố và trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Dự kỳ họp có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số cơ quan Trung ương; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các ban Đảng Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026. Các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

Đại biểu dự Kỳ họp trực tuyến đại điểm cầu huyện Lâm Bình

Dự kỳ họp trực tuyến tại điểm cầu huyện Lâm Bình có các đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Hoàng Văn Nha, UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện,  lãnh đạo các Ban HĐND huyện, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Trung ương “Không để ách tắc ở bất cứ khâu đoạn nào trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện mục tiêu nhiệm vụ”, để đảm bảo tiến độ, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, cả trước mắt và lâu dài. Tại kỳ họp chuyên đề này, HĐND tỉnh xem xét thông qua 11 dự thảo nghị quyết liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Những nội dung này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Trên cơ sở đó để HĐND tỉnh xem xét và quyết định, bảo đảm cho kỳ họp thành công, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đại biểu huyện Lâm Bình theo dõi Kỳ họp

Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã nghe, xem xét và thông qua các nghị quyết trình kỳ họp gồm: Dự thảo Nghị quyết Kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2021 sang năm 2022, tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, tổng số vốn được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 là trên 48 tỷ đồng. Trong đó: chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước trên 9,8 tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương trên 700 tỷ đồng; nguồn chi thường xuyên ngân sách tỉnh bổ sung vốn đầu tư trên 37, 5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện và giải ngân không quá ngày 31/12/2022.

Dự thảo Nghị quyết Bổ sung danh mục dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2022 tỉnh Tuyên Quang lập kế hoạch chi tết 29 dự án xây dựng thuộc khu vực có ý nghĩa quan trọng trên địa bàn tỉnh; cải tạo nâng Nhà khách Kim Bình, Văn phòng Tỉnh ủy; công trình sửa chữa, cải tạo Nhà điều trị 3 tầng, Nhà khám chữa bệnh 3 tầng thuộc Trung tâm Y tế huyện Na Hang.

Dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí thẩm định trong lĩnh vực môi trường áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo các đánh giá tác động môi trường; thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường; thẩm định, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường.

Dự thảo Nghị quyết Bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bổ sung vào quy hoạch một khu vực mỏ chì kẽm mới điểm mỏ Nặm Chá, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) vào nhóm khoáng sản ở khu vực có khoảng sản phân tán, nhỏ lẻ với diện tích 8,64ha.

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách nhất trí với các dự thảo nghị quyết, đồng thời đề nghị sau khi nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện theo đúng quy định. 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết.

Về 2 dự thảo nghị quyết: Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện Dự án đầu tư khai thác, chế biến đá granit và đá phiến làm vật liệu xây dựng thông thường mỏ Thành Công, xã Thành Long, huyện Hàm Yên; Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện Dự án đầu tư khai thác, chế biến quặng thiếc Phú Lâm. Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, xác định vị trí, ranh giới đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép, nhất là việc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo đúng quy định của pháp luật. Đối với Dự án đầu tư khai thác chế biên quặng thiếc Phú Lâm, UBND tỉnh cần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc 5 nội dung đã cam kết về hoạt động khai thác tại mỏ thiếc Phú Lâm. 97,78% đại biểu dự kỳ họp đã biểu quyết thông qua 2 dự thảo Nghị quyết Quyết định trên.

Dự thảo Nghị quyết Bổ sung danh mục công trình, dự án thực hiện thu hồi đất năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Dự thảo Nghị quyết Quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ; mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh. Theo đó, điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp, do thuê, mượn, ở nhờ là 0,8m2 sàn/người. Nghị quyết cũng quy định mức thu đối với 7 lệ phí gồm: đăng ký thường trú, tạm trú cả hộ hoặc 1 người; đăng ký tạm trú theo danh sách; tách hộ; điều chỉnh thông tin cư trú trong cơ sở giữ liệu dân cư; gia hạn tạm trú; gia hạn tạm trú theo danh sách; xác nhận thông tin về cư trú.

Dự thảo Nghị quyết Quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế tạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, mức giá xét nghiệm test nhanh mẫu đơn không quá 77 nghìn đồng; xét nghiệm miễn dịch tự động/bán tự động mẫu đơn không quá 178 nghìn đồng; xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trong trường hợp mẫu đơn, mức giá chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm là 208.000; xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trong trường hợp mẫu gộp từ 77 nghìn đồng đến 110 nghìn đồng tùy trường hợp. Phó Giám đốc Sở Y tế La Đăng Tái cho biết, sau khi Nghị quyết được ban hành, ngành Y tế sẽ hướng dẫn thực hiện nghiêm túc công khai mức giá xét nghiệm đối với tất cả cáo loại test. Ngành cũng sẽ có các giải pháp hướng dẫn các cơ sở y tế mua các loại test xét nghiệm, đặc biệt là test nhanh đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra tất cả các cơ sở y tế trong thực hiện đấu thầu mua test để không có sự chênh lệch về giá quá lớn đối với các đơn vị trong ngành Y tế.

Dự thảo Nghị quyết Quy định nội dung, mức thu chi để chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi, cuộc thi trong lĩnh vực giáo dục áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, Nghị quyết quy định chi hỗ trợ tiền đi lại, tiền thuê phòng nghỉ, tiền ăn cho học sinh các đội tuyển trong quá trình tập huấn, tham dự kỳ thi: chọn học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia; kỳ thi lập đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia; cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh THCS và THPT cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 06/12/2017 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chế độ chi công tác phí, chế độ chi hội nghị, chế độ chi tiếp khách áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Kỳ họp đã được nghe đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trình bày dự thảo Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo mục tiêu tổng quát, Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, nông lâm thủy sản hiệu quả cao và xây dựng nông thôn mới; hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, tích hợp, hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; đời sống mọi mặt của nhân dân không ngừng được nâng cao; an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo và từng bước cải thiện; các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; chất lượng môi trường được đảm bảo; tiềm lực quốc phòng được nâng lên, khu vực phòng thủ được củng cố ngày càng vững chắc; chính trị ổn định, an ninh quốc gia, an ninh con người được đảm bảo; xã hội phát triển trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.

Sau khi nghe các báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và các ý kiến thảo luận, các ngành đã tiếp thu và giải trình, làm rõ các đề đại biểu và cử tri quan tâm như: giao thông; môi trường; nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh…

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sau gần 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tích cực, trách nhiệm cao, Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khoá XIX đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. HĐND tỉnh đã dân chủ thảo luận, thống nhất thông qua 11 nghị quyết thuộc các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, tài nguyên - khoáng sản, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục và quản lý nhà nước về dân cư, nhà ở.

Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh. Đồng chí yêu cầu ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương sớm đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống. Đồng chí đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu và các vị đại biểu HĐND tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban MTTQ tỉnh tăng cường giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Các cấp, các ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung các nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng, tích cực tham gia thực hiện và giám sát thực hiện.

Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo chủ đề điều hành năm 2022 của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của chính quyền các cấp theo hướng trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo hơn, quyết liệt hơn, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, gắn với tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ.

Thúy Phượng - Xuân Cường

Tin cùng chuyên mục