Lâm Bình tuyên truyền công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai

Thực hiện đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị, nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là Đề án 818) đến nay đã đạt những kết quả nhất định. Người dân đã chủ động trả tiền để được lựa chọn sản phẩm và dịch vụ phù hợp với khả năng và nhu cầu. Thông qua đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong thời gian qua Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Lâm Bình đã tăng cường phối hợp với Trung tâm Y tế, Hội Phụ nữ huyện tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu về đề án; tích cực thực hiện công tác truyền thông, quảng cáo, triển khai tiếp thị các phương tiện tránh thai, như thuốc tránh thai và bao cao su. Ngoài ra Trung tâm dân số huyện phối hợp với Đài TT – TH huyện, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh FM của huyện và các xã...  Ngay sau khi Đề án được triển khai, Ban chỉ đạo Dân số Kế hoạch hóa gia đình 8/8 xã trên địa bàn huyện Lâm Bình xây dựng kế hoạch, tổ chức truyền thông, tư vấn trực tiếp tại các khu dân cư. Qua đó đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm lý và nhu cầu của người dân để có cách tiếp thị hiệu quả. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về Phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng nâng cao, người dân đã chủ động tự chi trả khi mua sản phẩm. 

Hội Phụ nữ thôn Ka Nò xã Khuôn Hà tuyên truyền Đề án xã hội hóa phương tiện tránh thai

Hiện nay toàn huyện Lâm Bình có trên 7.400 hộ gia đình, với trên 34 nghìn nhân khẩu; trong đó số cặp vợ chồng đang áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là gần 5 nghìn lượt. Việc thực hiện hiệu quả Đề án 818 đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các biện pháp tránh thai trên địa bàn huyện. Đến nay, số người áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt tỷ lệ trên 70%.

Trong thời gian tới, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện sẽ tiếp tục phát huy vai trò hoạt động của đội ngũ cán bộ dân số chuyên trách và cộng tác viên y tế thôn bản trong việc  tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi thói quen trong sử dụng các phương tiện tránh thai từ được cấp phát miễn phí sang mua bán dịch vụ, nhất là đối với bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó, làm thay đổi nhận thức để người dân chấp nhận tìm đến, lựa chọn và sử dụng lâu dài các dịch vụ KHHGĐ/SKSS thuộc đề án. 

Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục