Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Những năm qua,Trung tâm Y tế tích cực triển khai các biện pháp cải tiến chất lượng, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, ban hành các phác đồ điều trị, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh, triển khai có hiệu quả kế hoạch thay đổi phong cách, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với người bệnh.

Từ cuối năm 2018, thực hiện Quyết định của UBND Tỉnh Tuyên Quang về việc sáp nhập Trung tâm Y tế huyện với Bệnh viện đa khoa huyện thành Trung tâm Y tế huyện, với 2 chức năng là thực hiện công tác dự phòng và khám chữa bệnh cho nhân trên địa bàn, đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức, sắp xếp khoa phòng chuyên môn đi vào hoạt động nề nếp, đảm bảo tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao trình độ nghiệp vụ và tinh thần phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế, tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế, chủ động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên như: cử cán bộ, nhân viên y tế đi tập huấn, đào tạo chuyên sâu về tay nghề, chuyển giao kỹ thuật mới… để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Trang thiết bị khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện đã được trang bị khá đầy đủ

Với những biện pháp hiệu quả, thiết thực, công tác khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình đã có những chuyển biến tích cực; số lượt người đến khám, điều trị bệnh tăng đều hàng năm. Năm 2019 công tác khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được duy trì thực hiện thường xuyên, không để sảy ra sai sót về chuyên môn. Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân cũng như người nhà của bệnh nhân từng bước được nâng lên, nhiều dịch vụ kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới được triển khai thực hiện như: Xoa bóp bấm huyệt, tập vận động, điều trị bằng chiếu đèn hồng ngoại, nội soi tai - mũi - họng, phẫu thuật lấy thai lần hai, phẫu thuật mở bụng cắt tử cung, phẫu thuật kết hợp xương chi, tháo phương tiện kết hợp xương, phẫu thuật cắt búi trĩ, gây tê đám rối thần kinh cánh tay...Tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện, trạm Y tế các xã là 54.526 lượt đạt 99% KH, trong đó người nghèo là 18.785 lượt, trẻ em dưới 6 tuổi 12.056 lượt, đối tượng khác là 22.753lượt, khám không có bảo hiểm Y tế là : 903 lượt; khám điều trị bằng y học cổ truyền (YHCT) và hướng dẫn chữa bệnh bằng thuốc nam là 10.933 lượt; số bệnh nhân chuyển tuyến trên 1.126 bệnh nhân; tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 3.944 lượt người với tổng số ngày điều trị nội trú là 19.333; tổng số lần xét nghiệm là: 33.124 lần;cận lâm sàng: 8.686 trong đó X.quang là 4.567 lần, siêu âm là 3.845 lần; nội soi tai mũi họng 227 lần, điện tim là 47 lần; số ca tiểu phẫu là 2.277ca, 207 ca phẫu thuật, công suất sử dụng gường bệnh tại Trung tâm y tế huyện đạt 88%.

Cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện khám bệnh cho người dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến còn thấp, việc triển khai các chuyên khoa lẻ  như mắt, răng - hàm - mặt, phục hồi chức năng, đông y còn hạn chế. Một số khó khăn vướng mắc trong thanh quyết toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa giải quyết kịp thời đã ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh.  Công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn gặp khó khăn trong việc xử lý chất thải y tế. Chưa có khu vực khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung, chưa có khu vực lưu giữ chất thải đúng quy định.

Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình sẽ tăng cường hệ thống thông tin, truyền thông, cảnh báo dịch sớm và đáp ứng nhanh; giám sát, phát hiện và xử trí sớm ổ dịch, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do các bệnh gây dịch. Tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chú trọng về tinh thần thái độ và tổ chức quản lý chống lạm dụng thuốc và các dịch vụ kỹ thuật; sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, máy móc đã được cấp phục vụ cho công tác khám và điều trị bệnh nhân tại các trạm Y tế xã. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư, vắc xin và sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng bệnh và chữa bệnh; phối hợp kiểm tra giám sát chặt chẽ việc dùng thuốc tại trạm Y tế, nhất là thuốc bảo hiểm y tế; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và công tác y tế dự phòng. Tăng cường năng lực quản lý ngành Y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Hà Khánh

Tin cùng chuyên mục